PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, thời tiết mưa rét, ẩm ướt như hiện nay khiến nhiều trẻ mắc các bệnh hô hấp, bệnh tay chân miệng… Đáng chú ý hiện nay ở miền Bắc, bệnh SXH cũng đang nổi lên. Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai thời gian gần đây ngày nào cũng tiếp nhận ca bệnh SXH, bệnh nhi nhập viện chủ yếu trên 2 tuổi, đến từ các quận Hoàng Mai, Thanh Trì (Hà Nội)…
PGS. Dũng cho hay: Theo khuyến cáo mới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với bệnh nhi mắc SXH nhẹ, đơn thuần với các triệu chứng như nổi ban, đi ngoài… có thể dùng thuốc hạ sốt paracetamol, uống oresol ngay từ đầu. Cha mẹ có thể theo dõi, điều trị tại nhà theo tư vấn của bác sĩ, nhưng đặc biệt lưu ý không được dùng ibuprofen khi con bị SXH dễ khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Bệnh SXH ở thể cảnh báo, tức là bệnh nhi có thể chuyển nặng bất cứ lúc nào với các triệu chứng như đau bụng vùng hạ sườn phải, trẻ nôn nhiều, kích thích vật vã, chảy máu niêm mạc mũi, răng, lợi nhiều, có đi ngoài ra máu… WHO khuyến cáo cần được cho trẻ đi khám và nhập viện điều trị chứ không nên chờ đến khi trẻ sốc nặng mới đưa vào viện.
PGS. Dũng cảnh báo, cần đặc biệt chú ý bệnh SXH trên cơ địa trẻ béo phì, trẻ dưới 1 tuổi hoặc bệnh SXH ở người già, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính khác như: bệnh tim mạch, bệnh gan… Với những đối tượng này bệnh rất dễ nặng lên nhanh chóng.
Cần đặc biệt chú ý bệnh SXH trên cơ địa trẻ béo phì. Ảnh minh họa.
Dễ trụy mạch và tử vong vì sốt xuất huyết
Theo TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, với bệnh SXH, thời kỳ sốt khoảng 3-7 ngày, ủ bệnh khoảng 1 tuần, sau đó sốt và sốt cao đột ngột, đau người, đau mình mẩy, đau hốc mắt, đau vùng thái dương, 3 ngày sau có thể có biểu hiện nôn, buồn nôn và thường hạ sốt đi. Ở giai đoạn hạ sốt này cũng có những biểu hiện cần quan tâm, đó là giảm tiểu cầu có thể giảm xuống dưới 100.000/mm3, dễ cô đặc máu, xét nghiệm hematocrit có thể tăng trên 20% so với ban đầu. Đây là những dấu hiệu rất nguy hiểm. SXH rất dễ chảy máu trong khi đánh răng hay vết tiêm, có thể xuất huyết tiêu hoá, nôn ra máu... Biểu hiện nguy hiểm nhất của SXH là sốc và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
“Bệnh SXH là bệnh nguy hiểm nhưng lại chưa có vắc xin phòng bệnh. Hiện nay các nhà khoa học Việt Nam tại Viện Pasteur TP.HCM cũng đang hợp tác với một số tổ chức khoa học để nghiên cứu vắc xin phòng bệnh SXH và chúng tôi cũng hy vọng vắc xin này nghiên cứu thành công thì sẽ là cứu cánh cho chúng ta trong phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Do đó, các biện pháp để dự phòng bệnh này vẫn tập trung vào các biện pháp phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, tích cực tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch khu dân cư, đặc biệt khi có chiến dịch phun hoá chất dập dịch thì người dân cần hợp tác mở cửa để phun thuốc có hiệu quả cho cả khu vực của mình”- TS. Bắc cho biết.
Theo các chuyên gia, SXH được khẳng định là bệnh nguy hiểm và diễn biến cấp tính, đặc biệt là có thể dẫn tới truỵ tim mạch và tử vong. Nhiều trường hợp tử vong do SXH ở các bệnh viện theo ghi nhận của ngành y tế thì chủ yếu là do đến bệnh viện muộn, người dân khi bị SXH thì chủ quan, lơ là, tự mua thuốc về nhà điều trị, tự mời bác sĩ tư đến nhà truyền dịch và không có sự theo dõi của cơ quan y tế. Khi quá nặng mới đưa đến bệnh viện thì việc cứu chữa sẽ rất khó khăn. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, người dân khi bị sốt xuất huyết thì cần phải rất thận trọng không tự ý mua thuốc, không tự uống thuốc hạ sốt, nên tăng cường bù dịch bằng đường uống (như sử dụng oresol hoặc nước hoa quả), tránh lạm dụng truyền dịch tại nhà và cần phát hiện sớm các dấu hiệu tiền sốc như co giật, run rẩy, chân tay lạnh, sốt cao... thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để có cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm đến sức khoẻ.
Bù nước cho bệnh nhân SXH cần được ưu tiên. Ảnh minh họa.
Dinh dưỡng cho bệnh nhân SXH: Quan trọng là bù nước
TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng Trẻ em, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, về vấn đề ăn uống khi bị SXH do cơ thể thường mất nước nên cần bù nước, nhất là nước hoa quả (ưu tiên các loại có nhiều natri, kali như: nước dừa, nước chuối xay, nước hồng xiêm chín nghiền…) và dùng oresol để bù lại lượng nước mất đi. Thứ hai là không được kiêng khem quá mà phải dinh dưỡng đủ chất, hợp lý, giàu vitamin, khoáng chất, đủ năng lượng để giúp cho sức đề kháng cơ thể tăng lên chống đỡ bệnh tật. Tăng cường những loại có nhiều vitamin C tốt để bảo vệ thành mạch, chống yếu thành mạch, đỡ nguy cơ xuất huyết, do đó cần tăng các loại nước quả như cam, quýt, bưởi, chanh...
TS. Nga cũng lưu ý không nên dùng thực phẩm có màu sẫm quá, nhất là màu đỏ vì trong quá trình xuất huyết nếu bị nôn ra máu hoặc xuất huyết tiêu hoá mà thức ăn giống như máu thì mình không phân biệt được. Cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về chế độ ăn uống, truyền cái gì và khi nào cần thăm khám, không nên để quá nặng dẫn đến tình trạng khó cứu chữa.
“Trong bệnh cảnh SXH, người bệnh chủ yếu là bị sốt và khi sốt thêm 1 độ C thì chuyển hoá cơ bản đã tăng lên 13%, ở những người sốt cao ở người trưởng thành thì khả năng hấp thu năng lượng từ khẩu phần ăn giảm từ 20-40%, còn ở trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng thì cũng giảm 20-25% khả năng hấp thu năng lượng từ khẩu phần ăn. Do đó, cơ thể rất cần bù đắp chuyển hoá năng lượng và bù đắp những mất mát, tiêu hao năng lượng, kể cả protein qua nước tiểu, qua mồ hôi. Nhưng người bị sốt thì rất mệt mỏi nên rất khó để đảm bảo đủ năng lượng. Trong những trường hợp đó thì cần lưu ý chọn những loại thực phẩm, những món ăn mà bình thường người bệnh thích ăn, chọn thức ăn mềm, dễ tiêu, tránh những đồ ăn cứng, khó tiêu hoặc đồ ăn có chất kích thích”- TS. Nga tư vấn.