Hà Nội

Hà Nội: Nhiều trẻ em đến khám hậu COVID-19

27-01-2022 13:26 | Y tế
google news

SKĐS - Một tháng sau khỏi bệnh, hai bé trai 8 và 11 tuổi ở Hà Nội được gia đình đưa đi khám hậu COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang vì ho kéo dài, viêm họng tới 2 tuần.

Hà Nội: Nhiều trẻ em đến khám hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Hai bé trai đều chưa đến tuổi tiêm vaccine COVID-19, đến khám hậu COVID-19 cùng ông bà và mẹ. Gia đình này có 5 người trở thành F0 cách đây hơn 1 tháng và được điều trị tại nhà do triệu chứng nhẹ. 

BS Đinh Thế Tiến - khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, một trong 12 nhân viên y tế tham gia phòng khám hậu COVID-19 của viện này - cho biết với trẻ nhỏ mắc COVID-19 thông thường tiến triển nhẹ, không phải thở oxy, được điều trị tại nhà. Hai bé là những bệnh nhi đầu tiên đến phòng khám hậu COVID-19 của viện. Đến nay, sau 3 ngày khai trương, có 5 trẻ đến khám trong tổng số hơn 40 người ở Hà Nội tới đây kiểm tra, điều trị.

"Thường các bé được bố mẹ đưa đến khám cùng các thành viên khác trong gia đình. Khi khám, chúng tôi nhận thấy các bé ít gặp vấn đề về tâm lý như người lớn, chủ yếu là ho kéo dài và đau họng. Các bệnh nhi này được tư vấn một số vấn đề hậu COVID-19, chỉ định thuốc giảm ho"- BS Tiến nói với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống ngày 27/1.

TS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - cho hay Phòng khám hậu COVID-19 bắt đầu vận hành từ ngày 24/1. Hơn 40 bệnh nhân tới khám chủ yếu là trung niên, đi khám vì những dấu hiệu rõ rệt như mất ngủ, hụt hơi, ho, đau họng, đường huyết rối loạn... 

Hà Nội: Nhiều trẻ em đến khám hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Khám hậu COVID-19 cho bệnh nhân sau khi khỏi bệnh, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội)

Còn theo BS Tiến, nhiều trường hợp khi dương tính thì các triệu chứng không rầm rộ nhưng sau khi âm tính thì lại bị mệt mỏi, hụt hơi, thi thoảng có đau tức ngực, có ho, giảm sự tập trung...  

Với những trường hợp này, thông thường bác sĩ cho làm xét nghiệm, chụp phổi đánh giá có tổn thương phổi, tổn thương COVID-19 kéo dài hay không; xét nghiệm máu đánh giá nhiễm trùng, bội nhiễm kèm theo để có hướng điều trị phù hợp. 

Nếu bệnh nhân không có tổn thương thực thể thì bác sĩ sẽ tư vấn cách vận động, dinh dưỡng, tập thở để tăng dung lượng, thể tích hô hấp, tăng cơ lực, điều trị giảm ho cùng các lời khuyên tinh thần để bệnh nhân yên tâm.

Đặc biệt, có tới 40% bệnh nhân tới khám hậu COVID-19 bị lo lắng, stress. Khi có triệu chứng (như ho, mất ngủ, hụt hơi, mệt mỏi...) họ càng lo lắng, hoang mang, tạo thành vòng luẩn quẩn. Điển hình có người phụ nữ mới 30 tuổi, các triệu chứng COVID-19 mức độ nhẹ, điều trị tại nhà, không phải thở oxy, có dùng thuốc kháng virus. Trong thời gian điều trị dương tính, bệnh nhân có mất ngủ và ho. Sau khi khỏi bệnh, tình trạng ho thuyên giảm được 2 tuần nhưng sang tuần thứ 3 tái lặp kèm theo khàn giọng, mất ngủ thường xuyên.

Qua kiểm tra, chụp chiếu, xét nghiệm, nội soi tai mũi họng, bác sĩ đánh giá phổi bệnh nhân không tổn thương, có viêm họng mãn tính có thể do ho nhiều, nhưng nổi bật nhất là bệnh nhân lo lắng vì mất ngủ, lo tổn thương phổi... 

"Khi nhận thấy bản thân không tổn thương thực thể thông qua hình ảnh chụp chiếu và kết quả xét nghiệm, được tư vấn các vấn đề tâm lý, chỉ định thuốc giảm ho và hẹn tái khám, bệnh nhân yên tâm hẳn, khác với tâm lý hoang mang trước khi tới khám. Giảm bớt lo lắng là bệnh nhân giảm được 50% di chứng hậu COVID-19" - BS Tiến nói. 

Hiện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đang điều trị nội trú hậu COVID-19 cho hơn 10 bệnh nhân với 2 nhóm chính: Bệnh nhân nặng đã âm tính (nhưng chưa cai được thở oxy) được chuyển sang khu phục hồi chức năng để tiếp tục điều trị các tình trạng rối loạn sau COVID-19; nhóm thứ 2 là những người tới khám hậu COVID-19 được chuyển tới khoa Thần kinh, Tim mạch, hô hấp – Truyền nhiễm...

TS. Nguyễn Văn Thường cho hay, viện đã cử 6 bác sĩ, 6 điều dưỡng đi học lớp đào tạo về điều trị, chăm sóc bệnh nhân hậu COVID-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức và đã có chứng chỉ.

Song song với chuẩn bị nhân lực, viện đã xây dựng phác đồ, các kỹ thuật có thể triển khai phòng khám cho bệnh nhân bị suy giảm nhận thức, suy giảm thể chất và suy nhược, suy chức năng hô hấp, suy giảm khả năng nuốt, suy giảm khả năng giao tiếp và những thách thức trong việc hoàn thành các hoạt động sống hàng ngày (ADLs).

Các kỹ thuật phục hồi chức năng sẽ được các bác sĩ giới thiệu và đưa ra hướng dẫn, mục tiêu cụ thể cho người bệnh.

Trước mắt, Bệnh viện chuẩn bị 30 giường điều trị nội trú bệnh nhân hậu COVID-19.

Hà Nội sắp có phòng khám hậu COVID-19Hà Nội sắp có phòng khám hậu COVID-19

SKĐS - Dự kiến đầu tuần tới, Bệnh viện Đức Giang sẽ khai trương phòng khám hậu COVID-19.


Võ Thu
Ý kiến của bạn