Phải kiểm soát dịch trong mọi tình huống
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo TP. Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn vừa mới diễn ra, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, 6 tháng đầu năm 2022, nhờ những nỗ lực, quyết liệt của hệ thống chính trị và sự chung sức đồng lòng của người dân mà cuộc sống trên địa bàn Thủ đô đã trở lại bình thường, tạo điều kiện cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Văn Phong cũng cho biết, hiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là khi có chủng mới có khả năng gây tác động đến cả nước và Hà Nội. Trong khi đó, Hà Nội là địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người trên 18 tuổi, nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi thấp trong cả nước.
Nguyên nhân có tình trạng này theo ông Phong do còn tình trạng lơ là, buông lỏng, chủ quan từ trong hệ thống chính trị đến xã hội, người dân, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố đến cơ sở có nơi, có lúc chưa thực sự sát sao, chưa bám sát tình hình. Nhiều nơi cho rằng, người dân đã mắc COVID-19 nên chưa đến kỳ để tiêm.
Ông Nguyễn Văn Phong đã nhắc lại quan điểm, mục tiêu và phương châm chống dịch của Hà Nội không thay đổi. Từ đó yêu cầu các đơn vị phải kiểm soát dịch COVID-19 trong mọi tình huống, nhất là thời điểm hiện nay xuất hiện nhiều dịch bệnh khác.
Từ đó, ông Phong đề nghị cần tăng cường phòng, chống dịch với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiêm vaccine. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 4 cho người 18 tuổi trở lên, nhất là đối với người trên 50 tuổi. Đối với việc nâng tỷ lệ tiêm vaccine cho trẻ từ 5 – 13 tuổi cần phải tuyên truyền, vận động, thuyết phục phụ huynh đưa trẻ đi tiêm. Đây vừa là trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi người dân.
Về trách nhiệm đối với ngành giáo dục Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động, thuyết phục cha mẹ học sinh để phối hợp tiêm vaccine cho trẻ.
Đẩy mạnh hơn nữa công tác tiêm vaccine
Báo cáo tới Hội nghị, ông Vũ Cao Cương – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Hà Nội đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 (ghi nhận 3 ca), do đó trong thời gian tiếp theo có thể ghi nhận sự gia tăng số ca mắc bệnh, cần giám sát chặt chẽ.
Về công tác tiêm chủng, tính đến ngày 3/7, thành phố đã tiếp nhận, phân bổ 15.755.817 liều vaccine, trong đó đã sử dụng 15.747.907 liều. Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Dịch đã được kiểm soát nên người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, đánh giá thấp sự nguy hiểm của COVID-19. Việc vận động tuyên truyền người dân tham gia công tác tiêm chủng cho trẻ em và tiêm mũi 4 đối với người từ 18 tuổi trở lên còn hạn chế, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể".
Các địa phương cũng báo cáo, trong tuần qua số ca mắc COVID-19 giảm dần, không có bệnh nhân nặng và tử vong. Đối với việc tiêm vaccine mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4) với người từ 18 tuổi trở lên; mũi 2 đối với trẻ từ 5-12 ở một số quận, huyện còn thấp do người dân còn tâm lý chủ quan, công tác tuyên truyền chưa sâu…
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định sẵn sàng phối hợp với các địa phương, nhà trường, cha mẹ học sinh tổ chức tiêm khi có vaccine. Sở cũng kiến nghị cần có kênh, hình thức và phát hành tài liệu tuyên truyền để tăng tỷ lệ cha mẹ học sinh đồng thuận cho trẻ tiêm phòng.
Bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, dịch COVID-19 vẫn được ngành y tế quy định là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên cần thực hiện đúng các quy định. Mặc dù đã ghi nhận sự lưu hành của biến chủng Omicron BA.5 với tốc độ lây lan mạnh hơn, song chưa có bằng chứng khẳng định chủng mới gây bệnh nặng hơn.
Về công tác tiêm chủng, lãnh đạo Sở Y tế đề nghị cần phân công trách nhiệm cụ thể đối với các ngành trong việc tiêm vaccine mũi 4 đối với cán bộ, người lao động ở từng đơn vị; các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch tiêm chủng; đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine đủ mũi cho trẻ; tăng cường tuyên truyền tiêm mũi 4 qua các kênh thông tin…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mưa lớn xối xả, Hà Nội lại chìm trong “biển nước” | SKĐS