Tại khu vực Hà Tây cũ mới có 37,7% các trường tổ chức khám sức khỏe cho học sinh, trong đó phát hiện 12,5% mắc bệnh cận thị; 86,28% mắc bệnh tai mũi họng; 6,2% mắc bệnh ngoài da.
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hà Nội có tới 2207 trường học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông với tổng số trên 2,1 triệu học sinh. Công tác y tế học đường triển khai tại các nhà trường không đồng đều.
Liên ngành y tế-giáo dục và đào tạo Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai công tác y tế học đường năm học 2008-2009, phấn đấu không để dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm xảy ra; 90% trường mầm non và phổ thông có phòng, góc y tế và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho học sinh đầu và cuối cấp, phối hợp với gia đình chuyển tuyến điều trị cho học sinh mắc bệnh.
Theo kế hoạch, 95% các trường sẽ được kiểm tra vệ sinh học đường 1 lần/năm; 80% các trường mầm non và phổ thông có cán bộ y tế chuyên trách.
Thành phố đã triển khai mô hình điểm phòng chống cận thị học đường tại trường THCS Ngô Sỹ Liên (Hoàn Kiếm) và trường THCS Lý Thường Kiệt (Ba Đình); duy trì 16 trường điểm về nha học đường; duy trì mô hình điểm trường học nâng cao sức khỏe tại các trường tiểu học Ngô Quyền (Hai Bà Trưng), Duyên Hà (Thanh Trì), Ngọc Thụy (Long Biên), Phù Linh (Sóc Sơn)...
Nhiều hoạt động chuyên môn được triển khai hiệu quả như giám sát tổ chức súc miệng Fluor tại các trường tiểu học; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống báo cáo hen phế quản, đánh giá môi trường tại các trường học, duy trì và sử dụng hiệu quả 80 hộp đèn thị lực tại các phòng y tế nhà trường (Hà Nội cũ).
Đặc biệt, đợt khám lưu động bằng xe nha của Văn phòng "P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam" đã hướng dẫn chăm sóc vệ sinh răng miệng cho 7.440 học sinh, khám răng miệng cho 4.165 học sinh, phát hiện 76,1% học sinh mắc sâu răng và 51,5% học sinh viêm lợi.