Qua kiểm tra tại nhà hàng Hồng Luyến (33 phủ Tây Hồ), cơ sở đã tuân thủ về việc bảo quản thực phẩm. Ngoài ra, điều kiện vệ sinh cơ sở vật chất cũng bảo đảm sạch sẽ. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình hợp đồng, hồ sơ nhà cung cấp thực phẩm. Xét nghiệm nhanh 10 mẫu bát có 5 bát rửa chưa sạch còn bám tinh bột.
Xét nghiệm nhanh 10 mẫu bát tại nhà hàng Hồng Luyến (33 phủ Tây Hồ) phát hiện 5 bát rửa chưa sạch còn bám tinh bột
Tại nhà hàng Phương Dung (31 phủ Tây Hồ), qua xét nghiệm nhanh cũng phát hiện 3/10 bát rửa chưa sạch và nhiều bát đã cũ và bị xước.
Qua kiểm tra và kết quả xét nghiệm nhanh, ông Trần Văn Chung yêu cầu chủ nhà hàng thay toàn bộ số bát đĩa để bảo đảm an toàn thực phẩm cho du khách, đồng thời giao cho chính quyền địa phương tiếp tục giám sát và xử lý theo quy định.
Theo thông tin của ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn quận Tây Hồ hiện là 1.869 cơ sở.
Từ trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, quận đã thành lập 10 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó có 8 đoàn do các phường phụ trách và 2 đoàn do quận phụ trách. Qua kiểm tra 298 cơ sở, toàn quận đã tiến hành xử phạt 8 cơ sở với số tiền 26 triệu đồng, đồng thời đình chỉ 1 cơ sở. Riêng tại phủ Tây Hồ có 23 nhà hàng cố định và hơn 100 cơ sở hoạt động thời vụ.
Cũng qua kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã xử phạt 7 cơ sở về vấn đề vệ sinh môi trường, điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm vệ sinh.
Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức).
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm số 1 của TP Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 3 nhà hàng, qua đó phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm. Cụ thể, 3/3 nhà hàng đều thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng quy định, 2/3 nhà hàng vệ sinh bát ăn không đạt yêu cầu, 2/3 nhà hàng chưa xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc thực phẩm.
Ông Trần Văn Chung đã yêu cầu lập biên bản xử lý vi phạm nhà hàng Doanh Hạnh và nhà hàng Năm Thành. Tại thời điểm kiểm tra, chủ 2 nhà hàng này đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh được nguồn gốc thực phẩm. Ngay lối vào 2 nhà hàng này, thực phẩm sống, chín để lẫn lộn trên bàn không được che đậy, bảo quản. Khu vực rửa bát của 2 nhà hàng cũng tạm bợ, bát rửa xong được đặt ngay xuống đất.
Riêng tại nhà hàng Doanh Hạnh qua xét nghiệm nhanh 10 mẫu bát có 9 bát rửa không sạch. Còn tại nhà hàng Năm Thành, tủ đựng những túi đá viên dùng liền lại để chung cả thực phẩm sống. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu huỷ bỏ toàn bộ những túi đá này để tránh nguy cơ ngộ độc hàng loạt.
Kiểm tra an toàn thực phẩm tại một nhà hàng ở Chùa Hương
Ông Trần Văn Chung nhận xét, qua kiểm tra tại các lễ hội nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm ở nhiều nơi đã tốt hơn trước rất nhiều. Điều đó cho thấy, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, qua kiểm tra, vi phạm được phát hiện chủ yếu ở những cơ sở hoạt động thời vụ. Do đó, ông Trần Văn Chung yêu cầu chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở hoạt động thời vụ. Khi phát hiện sai phạm tại đây cần xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, khi đi lễ hội đầu xuân, người dân nên lựa chọn những quán hàng mà khi nhìn vào cảnh quan môi trường, cơ sở vật chất, trang thiết bị được bố trí sạch sẽ, nhân viên phục vụ được trang bị đầy đủ trang phục, găng tay. Đặc biệt, người dân lưu ý lựa chọn các quán hàng có niêm yết công khai giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.