Hà Nội nhân rộng, từng bước nâng cấp mô hình trồng cây dược liệu

02-11-2023 08:38 | Xã hội

SKĐS - Để hình thành các vùng trồng cây dược liệu hàng nghìn ha phát triển tốt, Hà Nội ưu tiên chọn các giống dược liệu bản địa, phù hợp với canh tác lâu đời của địa phương.

Trồng dược liệu quý phát huy tiềm năng vùng dân tộc thiểu số và miền núiTrồng dược liệu quý phát huy tiềm năng vùng dân tộc thiểu số và miền núi

SKĐS - Điều kiện tự nhiên khu vực vùng núi nước ta rất phù hợp để phát triển các loài dược liệu quý, đem lại giá trị kinh tế lớn giúp bà con dân tộc thiểu số thoát nghèo.

Vùng trồng dược liệu hữu cơ tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) được coi là 1 trong những vùng trồng dược liệu lớn nhất của Hà Nội. Từ 5ha ban đầu hình thành vào năm 2015, đến nay, hợp tác xã đã phát triển quy mô trồng lên tới hàng chục ha tại các xã trên địa bàn huyện. Ngoài những loại dược liệu như: Xuyên khung, khôi tía, bán chi liên, phúc bồn tử, kỳ tử…, Sóc Sơn đang trồng và bảo tồn loài trà hoa vàng pagoda - một loại dược liệu quý của Việt Nam.

Được biết, những ngày đầu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lương thực, cây ăn quả sang cây dược liệu tại các xã vùng đồi, núi rất khó khăn bởi địa chất vùng đồng kém…nhưng sau 1 thời gian cây dược liệu sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay, Sóc Sơn đã coi việc trồng dược liệu là hướng chuyển đổi mới của nông nghiệp Sóc Sơn.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của Hà Nội vốn phù hợp để phát triển đa dạng các loại cây dược liệu. Các huyện miền núi Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức… có thổ nhưỡng, độ dốc địa hình, điều kiện thời tiết phù hợp với các loại cây như: Khôi tía, trà hoa vàng, trà hoa cúc Nhật… Vùng bán sơn địa Chương Mỹ, Thạch Thất có thể phát triển các loại cây cà gai leo, mật gấu…

Hà Nội nhân rộng, từng bước nâng cấp mô hình trồng cây dược liệu - Ảnh 2.

1 vườn trồng cây dược liệu của người dân đem lại hiệu quả kinh tế ổn định và cao hơn 1 số loại cây ăn quả, cây lương thực.

Mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nếu trồng dược liệu tự phát thì người dân sẽ không có cách tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, sản xuất cây dược liệu phải tuân thủ nghiêm những quy định về trồng, chăm sóc, nếu không được học tập, tập huấn, nông dân khó có thể trồng, chăm sóc được các loại cây này.

Để phát triển cây dược liệu, Hà Nội xây dựng mục tiêu hình thành các vùng cây dược liệu 1.500-2.000ha vào năm 2030. Để hoàn thành mục tiêu đó, đồng thời từng bước nhân rộng các mô hình trồng cây dược liệu, mang lại thu nhập cao cho nông dân, Hà Nội ưu tiên chọn các giống dược liệu bản địa, phù hợp với canh tác lâu đời của địa phương; hỗ trợ các địa phương hình thành vùng dược liệu chuyên canh đạt tiêu chuẩn; xây dựng vùng trồng, chủng loại trồng trên thực tế để có giải pháp đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất...

Cụ thể, Hà Nội phát triển vùng dược liệu hữu cơ tại Sóc Sơn; vùng dược liệu cổ truyền người Dao tại Ba Vì; du nhập và phát triển một số dược liệu quý, giá trị kinh tế cao tại Thạch Thất, Phú Xuyên, Đông Anh...

Hà Nội nhân rộng, từng bước nâng cấp mô hình trồng cây dược liệu - Ảnh 3.

Mô hình vùng trồng cây dược liệu tại Bắc Sơn, Sóc Sơn.

Ngoài ra, để phát triển cây dược liệu cũng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ và người sản xuất là rất quan trọng trong khép kín vòng tròn sản xuất - tiêu thụ dược liệu.

Trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Nội xác định phát triển các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu (Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ…) kết hợp hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển cây dược liệu dưới tán rừng tập trung tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn... nhằm từng bước đưa dược liệu trở thành một trong những cây trồng thế mạnh của Hà Nội.

Xem thêm video được quan tâm:

Điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển y dược cổ truyền dược liệu ở Việt Nam.


Thành Long
Ý kiến của bạn