Sau 10 năm giữ nguyên giá, UBND TP. Hà Nội vừa quyết định tăng giá vé xe buýt có trợ giá trên địa bàn từ ngày 1/11/2024.
Cụ thể, giá vé xe buýt Hà Nội cự ly dưới 15km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng/lượt; từ 15km đến dưới 25km tăng từ 7.000 đồng lên 10.000 đồng/lượt.
Với những tuyến có cự ly từ 25km đến dưới 30km, giá vé tăng từ 8.000 đồng lên 12.000 đồng/lượt; từ 30km đến dưới 40km tăng từ 9.000 đồng lên 15.000 đồng/lượt và từ 40km trở lên tăng từ 9.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt.
Vé tháng bán cho đối tượng ưu tiên bao gồm học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề (không kể hệ đào tạo vừa học vừa làm), công nhân khu công nghiệp đi một tuyến là 70.000 đồng (hiện là 55.000 đồng); liên tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng).
Vé mua theo hình thức tập thể (không ưu tiên) đi một tuyến 100.000 đồng (hiện là 70.000 đồng), liên tuyến 200.000 đồng (hiện là 140.000 đồng).
Giá vé tháng bán cho các đối tượng không ưu tiên đi một tuyến là 140.000 đồng (hiện là 100.000 đồng), liên tuyến là 280.000 đồng (hiện là 200.000 đồng).
Người có công, người cao tuổi (60 tuổi trở lên), trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo tiếp tục được miễn tiền vé xe buýt.
Theo Sở GTVT Hà Nội, chi phí giá vé xe buýt, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập của người dân, trong khi các yếu tố đầu vào phục vụ cho hoạt động xe buýt như giá nhiên liệu, tiền lương… đều đã tăng cao so với trước đây. Từ năm 2014 đến nay thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập của người dân.
Trước thông tin giá vé xe buýt tăng sau 10 năm giữ giá, nhiều người dân đưa ra quan điểm ủng hộ quyết định này.
Bà Nguyễn Thị Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi đồng tình việc tăng giá vé xe buýt bởi mức tăng không nhiều, tuy nhiên tôi cũng có mong muốn sau khi tăng giá thì chất lượng dịch vụ khi đi xe buýt sẽ văn minh, hiện đại hơn".
Tương tự, Lưu Quốc Minh (sinh viên Trường Đại học Thương Mại) chia sẻ: "Giá vé xe buýt tăng nhưng vẫn là một trong những phương tiện công cộng tiện ích, giá hợp lý. Mức tăng giá này chấp nhận và chi trả được, bởi mức tăng không quá cao".
Theo TS Phan Lê Bình, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực giao thông, Phó trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản cho hay, mức phí đi xe buýt hiện nay rẻ hơn rất nhiều so với các phương tiện khác.
"Qua nhiều năm, cũng có quá trình trượt giá nên việc điều chỉnh mức giá vé tăng thêm cũng hoàn toàn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Việc tăng giá vé phần nào giúp tăng nguồn thu, góp phần giảm trợ giá cho nguồn ngân sách của thành phố", TS Bình nói.