Hà Nội nên tận dụng sông, hồ để chống ngập

06-06-2022 15:02 | Xã hội
google news

SKĐS - Với lợi thế có nhiều con sông, hồ rộng, Hà Nội hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống này để thoát nước khi có mưa lớn, phòng ngừa ngập úng.

Lội nước ngập, nước lũ, cần lưu ý những điều sau để phòng bệnh ngoài da Lội nước ngập, nước lũ, cần lưu ý những điều sau để phòng bệnh ngoài da

SKĐS - Theo các bác sĩ, các bệnh ngoài da thường gặp mùa mưa, lũ như: Nấm chân, tay, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở, mụn nhọt...

Ao hồ, sông ngòi dần biến mất

GS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và môi trường, Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, một đô thị sẽ có hệ thống thoát nước tự nhiên tốt khi ao hồ, sông ngòi chiếm 5% quỹ đất đô thị. 20 năm trước, Hà Nội từng có quỹ đất cho ao hồ, sông ngòi đến 10%, tuy nhiên hiện nay thành phố đã để cho đô thị hóa cao nên quỹ đất này chỉ còn 2%.

Hà Nội cứ mưa to là ngập, theo GS.TS Trần Đức Hạ, trong các nguyên nhân khách quan gây ngập úng là địa hình thấp và mực nước các sông cao; lượng mưa lớn và phân bổ không đều theo thời gian thì còn do quá trình đô thị hóa và tăng dân số. Những năm qua, thành phố Hà Nội đã không tận dụng lợi thế và địa hình này để thực hiện quy hoạch thoát nước, lại cứ tập trung xây cống ngầm, trạm bơm nằm cách xa các sông ngòi rồi phải xây kênh dẫn phức tạp. Trong khi đó, sông ngòi, ao hồ lại đang bị lấp, thu hẹp.

Hà Nội nên tận dụng sông, hồ để chống ngập - Ảnh 2.

Ao hồ, sông rạch bị lấp dần khiến nhiều nơi ở Hà Nội tái diễn cứ mưa lớn là ngập.

"Dân số Hà Nội trong những năm 90 của thế kỷ trước là 2,1 triệu người và hiện nay gấp 4 lần so với trước. Như vậy, ngoài nước mưa, lượng nước thải đổ vào hệ thống thoát nước cũng tăng trên 3,5 lần. Quá trình đô thị hóa và tăng dân số tạo sức ép mạnh lên hệ thống thoát nước đô thị", GS.TS Trần Đức Hạ nêu cụ thể.

Một nguyên do khác đến từ những bất cập trong quản lý quy hoạch đô thị khi các công trình hạ tầng, đặt biệt là thoát nước, không theo kịp với xây dựng công trình, nhà cửa. Cốt san nền tại các khu đô thị mới, đại lượng cơ bản trong thiết kế tiêu thoát nước, không được tuân thủ theo quy hoạch khi triển khai xây dựng công trình. Hệ thống hồ điều hòa ở các khu đô thị mới hiện không phát huy tác dụng, thậm chí nhiều khu hồ điều hòa bị lấp để lấy đất làm nhà, dẫn đến thoát nước chậm.

Việc xây dựng các nhà cao tầng với mật độ lớn và khai thác nước ngầm cũng sẽ dẫn đến cốt nền đô thị trở nên thấp hơn do sụt lún. Việc thay đổi cốt đường sau mỗi lần cải tạo, sửa chữa sẽ làm thay đổi tiểu lưu vực thoát nước và hiệu quả hoạt động của các đường cống ở đó. Ngoài ra, việc thiếu kiểm soát quá trình xả rác thải, đổ phế thải xây dựng và lấn chiếm hồ kênh mương là nguyên nhân hiện hữu hạn chế khả năng tiêu thoát nước và gây ô nhiễm môi trường.

Hệ thống thoát nước có công suất tiêu thoát với những trận mưa có cường độ 310mm/2 ngày của lưu vực sông Tô Lịch. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm cho nhiều trận mưa lớn với tần suất tăng hơn, khiến cho hệ thống thoát nước không đủ tải. Công suất các trạm bơm đầu mối lưu vực tả Nhuệ và Tô Lịch theo quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 là 151m3/s. Nhưng năng lực thực tế hiện mới chỉ đạt 122,3m3/s. Một số hồ điều hòa, tuyến cống thoát nước trong nội thành vẫn đang trong giai đoạn cải tạo, xây dựng bổ sung. Các tuyến cống, mương chính, hồ điều hòa… lưu vực tả Nhuệ và Hà Đông còn thiếu nhiều.

Thoát nước theo hướng bền vững

Theo GS.TS Trần Đức Hạ, thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững, tức áp dụng các kỹ thuật để quản lý nước chảy tràn tại chỗ, thông qua việc thu gom, lưu trữ và làm sạch trước khi xả ra từ từ trở lại vào cống thoát nước hoặc môi trường là một trong những giải pháp mới được khuyến khích áp dụng nhằm giảm thiểu ngập úng đô thị dưới biến đổi của khí hậu.

Các công trình của hệ thống thoát nước đô thị bền vững tạo điều kiện thoát chậm để tránh lượng mưa tập trung lớn ở đô thị trong thời gian ngắn, đồng thời sử dụng triệt để các khả năng lưu giữ và làm sạch của hệ thống sinh thái tự nhiên vào việc cải thiện chất lượng nước, bổ cập nguồn nước ngầm cộng với việc làm hài hòa cảnh quan thiên nhiên.

Hiện nay, mô hình thoát nước bền vững đã và đang được áp dụng thí điểm tại một số đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để nhân rộng những mô hình này, chắc chắn cần thêm thời gian để hoàn thiện các văn bản quy định liên quan, bổ sung quy chuẩn và các cơ sở dữ liệu hỗ trợ quy hoạch, thiết kế…

Về giải pháp xây bể ngầm chứa nước chống ngập, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam coi đây chỉ là một phương án đối phó tạm thời. Giải pháp này không thể giải quyết triệt để tình trạng ngập úng sau mưa mà Hà Nội đang gặp. Để làm được Hà Nội cần nghiêm túc xem xét các giải pháp tổng thể

Để quá trình tiêu nước hiệu quả, bên cạnh giải pháp điều chỉnh quy hoạch đô thị, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, cần ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tận dụng nơi thoát nước tự nhiên như sông, hồ… Hiện có 9 con sông chảy qua Thủ đô gồm: sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đáy, Cà Lồ, sông Tích và Tô Lịch. Trừ sông Tô Lịch nằm trong nội đô, 8 con sông còn lại đều chảy qua nhiều tỉnh, thành khác. Tuy vậy, thành phố chưa tận dụng triệt để những con sông này phục vụ công tác chống ngập úng.

"Dọc sông Tô Lịch có hàng trăm cống xả nước nhưng toàn là nước xả dân sinh. Tại sao không nối những cống xả đó để thoát nước mưa, điều này rất đơn giản nhưng chúng ta không làm", GS Vũ Trọng Hồng nói.

Bộ trưởng Bộ TNMT nói gì khi Hà Nội ngập khắp nơi sau trận mưa lịch sử chiều 29/5?Bộ trưởng Bộ TNMT nói gì khi Hà Nội ngập khắp nơi sau trận mưa lịch sử chiều 29/5?

SKĐS - Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Trần Hồng Hà cho biết, với Hà Nội phải tăng cường công tác dự báo; thiết kế đô thị phải thông minh, tạo ra hệ thống thoát nước, khi đã ngập phải sử dụng các máy bơm để thoát nước.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Số ca mắc đậu mùa khỉ tăng mạnh tại Canada


Tô Hội
Ý kiến của bạn