Gia tăng số lượng cây xanh vào khoảng trống trên vỉa hè
Sau bão số 3, hơn 40.000 cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ. Trong số hơn 40.000 cây xanh ở Hà Nội bị gãy đổ trong những ngày qua, dự kiến có khoảng 3.000 cây có thể cứu, trong đó có 100 cây quý hiếm.
PGS.TS. Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Trường Đại học Lâm nghiệp) cho biết, cây xanh là một trong những yếu tố cảnh quan có sự sống, có sự sinh trưởng phát triển, cung cấp nhiều dịch vụ liên quan đến môi trường sinh thái. Đồng thời cũng là yếu tố cảnh quan có cảnh sắc đặc trưng theo mùa, có cảnh sắc đa dạng nhất trong môi trường đô thị mà các yếu tố cảnh quan khác trong môi trường đô thị khó có thể có được.
Bên cạnh những tác dụng tích cực, cây xanh trong đô thị nếu không được chọn, trồng và quản lý tốt đôi khi cũng gây ra một số những phiền toái như hiện tượng cành cây hoặc cả cây bị gãy đổ, rễ cây làm hư hại công trình, lá rụng làm ách tắc cống rãnh, hoa có mùi hương khó chịu, các vấn đề sức khỏe do dị ứng phấn hoa…
Khi nói đến trồng cây xanh trong đô thị, đại bộ phận chỉ quan tâm đến khả năng cho bóng mát, hoa lá có đẹp và bắt mắt hay không, cây có dẻo dai và hệ rễ có mọc sâu để cây vững chắc hay không. Tuy nhiên, các giá trị về duy trì hệ sinh thái, tạo môi trường sống cho các loài sinh vật khác và tăng tính đa dạng sinh học, cải thiện vi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, tăng giá trị bất động sản, giảm căng thẳng tâm lý, cải thiện thị lực, huyết áp, sức khỏe… thì nhiều người chưa nhận thức đầy đủ.
PGS.TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cho biết, quy hoạch cây xanh đô thị giúp thành phố Hà Nội có được mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh, phát huy tác dụng. Tuy nhiên, việc ban hành quy hoạch và thực hiện quy hoạch cây xanh phải có tầm nhìn lâu dài. Trong quy hoạch phải xác định rõ loài cây trồng được tuyển chọn thích hợp với từng tuyến đường, phố, khu dân cư. Thành phố cần giao đơn vị chủ trì, tổng hợp số lượng, đánh giá chất lượng cây xanh đô, từ đó tính đúng, đủ và đề ra các giải pháp quản lý phù hợp.
Về tổ chức quản lý cây xanh, những khoảng trống trên vỉa hè cần được sử dụng để gia tăng số lượng cây trên đường phố. Cần loại bỏ và thay thế những cây không đạt tiêu chuẩn, thay thế các cây già cỗi hay sâu bệnh có nguy cơ đổ vì gió bão. Việc thiết kế bố trí trồng cây trên các đường phố mới phải đúng với chủng loại cây đã được xác định. Ngoài ra, cần chăm sóc, bảo dưỡng cây đến giai đoạn sinh trưởng ổn định; tỉa tán cây theo định kỳ và đặc điểm từng loài để giảm bớt thiệt hại khi có gió bão.
Theo thống kê từ Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), cây xanh bóng mát trên địa bàn Hà Nội phong phú và đa dạng về chủng loài với 175 loài thuộc 55 họ thực vật. Trên địa bàn 12 quận có hơn 8.000 cổ thụ (có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50 cm trở lên tại chiều cao 1,3 m của cây) gồm các loài chủ yếu như: bàng, bằng lăng, chẹo, đa, lan, lát hoa, lim xẹt (muồng thẫm), long não, muồng đen, hoa sữa, sao đen, sấu, sưa, xà cừ, phượng vĩ.
Mạnh dạn loại bỏ những cây không còn phù hợp
TS.KTS Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam, Trưởng bộ môn Kiến trúc cảnh quan, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) cho rằng, Hà Nội đã tạo được hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học về cây xanh nhưng việc bố trí trên từng tuyến đường phố chưa được coi trọng.
Năm 2011, Hà Nội đã có quy hoạch đất trồng cây xanh trong đô thị nhưng chưa thực sự là quy hoạch cây xanh nên chiến lược hay kịch bản để tạo ra cây xanh đô thị có bản sắc, chất lượng là chưa có.
Hà Nội cũng có những giải pháp để tìm ra loại cây mới đưa về trồng nhưng lại đang thiếu những bước trồng thử nghiệm trước khi đưa ra trồng đại trà, dẫn đến việc trồng không đem lại hiệu quả như mong muốn.
Nếu Hà Nội có kịch bản, định hướng cho từng tuyến, từng không gian theo đặc trưng cảnh quan và có câu chuyện về bản sắc sẽ đem lại hiệu quả hơn. Cùng với đó, thành phố cũng cần nghiên cứu, lựa chọn những loài cây phù hợp với không gian đô thị.
Có những cây trước đây phù hợp nhưng vì sự thay đổi của môi trường, nhu cầu xã hội nên đến nay không còn phù hợp nữa thì cần mạnh dạn lựa chọn những cách làm mới hoặc loại bỏ những cây không còn phù hợp với kích thước.
"Vì sự an toàn, cần phải có những cách thức phù hợp. Việc thay thế cây không thể thực hiện đồng loạt mà cần nghiên cứu cụ thể xem thay cây nào, lộ trình ra sao? Trước khi thay, thành phố nên có kế hoạch, có kịch bản phát triển cây xanh đồng bộ cho toàn địa bàn, không nên "có gì trồng nấy", dễ gây lộn xộn cảnh quan đường phố. Nhiều loài cây không phù hợp với không gian có thể tạo rủi ro sau này", ông Phạm Anh Tuấn chia sẻ.
Theo chuyên gia này, các tuyến phố nhỏ, vỉa hè bé, như phố Lý Nam Đế, lại được trồng cây lớn như xà cừ sẽ khiến cây chiếm hết vỉa hè, mọc lệch tán, gây nguy cơ mất an toàn. Chưa kể có cây đã già cỗi, bị sâu mục thân, gốc, thối rễ không còn khả năng chống chịu khi gặp mưa bão nhưng khó phát hiện bằng mắt thường.
Các chuyên gia cũng lưu ý tiêu chí chọn loại cây trồng tại thành phố Hà Nội là loài có thân thẳng, thân cây không có gai và nhựa mủ độc, có độ phân cành từ 3m trở lên. Cây có hệ rễ khỏe, rễ cọc ăn sâu, rễ tỏa đều, chịu được mực nước ngầm cao và ngập úng tạm thời. Cây có thớ gỗ dai, khó gãy cành, chịu cắt tỉa; hoa quả không hấp dẫn côn trùng làm ô nhiễm môi trường. Tuổi thọ cây phải dài, 50 năm trở lên và có tốc độ tăng trưởng trung bình. Ngoài ra, cây có hình dáng đẹp, có tán đẹp hoặc hoa đẹp, lá có màu sắc thay đổi theo mùa. Đặc biệt, cây phải thích nghi với đặc điểm tự nhiên và môi trường đô thị Hà Nội, như đất đai bị nén chặt, không gian dinh dưỡng hẹp, bề mặt bê tông hóa, nghèo dinh dưỡng, mực nước ngầm cao, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn…
Ông Tuấn cũng lưu ý việc trồng lại cây trong phố cổ phải tính toán đến kích thước của vỉa hè; tỷ lệ giữa chiều rộng, chiều cao của cây xanh với công trình xung quanh. Để giải quyết vấn đề này, ông Tuấn cho rằng cần có sự vào cuộc của các chuyên gia làm dự án, họ sẽ có kịch bản chọn loài nào cho phù hợp về hình thái, kích thước. Đơn cử tại những vỉa hè hẹp, chúng ta có thể thay thế cây bóng mát bằng những cây dây leo hoặc cây trồng chậu.
"Tùy thuộc vào từng tuyến phố mà chúng ta có kịch bản để đem lại hiệu quả, người dân vẫn thấy màu xanh nhưng cũng tăng được diện tích cây xanh. Khi người dân đồng lòng, chúng ta có thể bổ sung để phát triển", ông Tuấn nhấn mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những yếu tố nào khiến chúng ta gặp tình trạng lão suy sớm hơn? | SKĐS