Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội cho biết, dự báo trong những ngày tới, thời tiết ở Hà Nội vẫn duy trì nhiệt độ từ 28-36 độ C và có mưa rải rác, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Kết quả giám sát véctơ muỗi các tuần gần đây đều có xu hướng tăng cao. Từ ngày 10-16/6, ghi nhận 77 trường hợp sốt xuất huyết, tăng 9 ca so với tuần trước đó, nâng tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến ngày 16/6 của toàn Thành phố lên 548 ca, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 và không có trường hợp tử vong. Bệnh nhân sốt xuất huyết phân bố tại 19 quận huyện, 43 xã phường.
Ngoài ra, từ đầu năm đến ngày 16/6, toàn Thành phố có 1.481 trường hợp mắc sởi, chưa có bệnh nhân tử vong. Hiện hầu hết bệnh nhân sởi đã khỏi, chỉ còn 26 bệnh nhân đang được điều trị tại các cơ sở y tế.
Số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng mạnh. Ảnh minh họa
Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội duy trì hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp giám sát và tại cộng đồng; giám sát véctơ và côn trùng truyền bệnh; giám sát trước và sau chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Bên cạnh đó tổ chức 71 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết tại 12 quận, huyện.
Cùng với các hoạt động trên, Hà Nội tiếp tục duy trì thường trực đội chống dịch cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và của các trung tâm y tế quận, huyện; duy trì các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch. Đồng thời tập huấn cho cán bộ y tế các quận, huyện về công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.
Hà Nội đã ký cam kết thực hiện nghiêm chỉnh phòng chống sốt xuất huyết giữa Giám đốc Sở Y tế với giám đốc trung tâm y tế của 30 quận huyện. Từ đó đưa ra quán triệt nếu chủ tịch UBND quận huyện, phường xã nào không thực hiện thì phải chịu trách nhiệm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 5, cả nước đã ghi nhận hơn 57.800 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong, số ca mắc cao gấp hơn 3 lần so với năm 2018.
Bộ Y tế cũng cho biết sốt xuất huyết sẽ phức tạp nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời. Theo các chuyên gia, sốt xuất huyết có sự phức tạp khi bệnh không tập trung mùa mà lưu hành quanh năm.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo: Do diễn biến và ảnh hưởng của thời tiết, bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng và có thể diễn biến phức tạp nếu chúng ta không có các biện pháp quyết liệt để phòng chống.
Để phòng bệnh, mỗi người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước trong gia đình để muỗi không vào đẻ trứng, lật úp các dụng cụ không chứa nước, hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…
Mỗi người dân cần chủ động phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt, kể cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi.
Giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao, duy trì mạng lưới công tác viên ở các xã, phường trọng điểm về dịch bệnh. Đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch. Thực hiện tốt công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân hạn chế thấp nhất tử vong.
Đồng thời, điều tra xử lý tại cộng đồng các ca bệnh như sốt xuất huyết; chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và diệt muỗi truyền bệnh ở nơi sinh sống.