Theo đó, UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đúng quy định, bảo đảm phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và khả năng tiếp nhận của bến xe, không gây ùn tắc khu vực xung quanh bến xe; báo cáo Bộ GTVT xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế hoạt động của các bến xe trên địa bàn thành phố, đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, trên cơ sở thống nhất liên ngành, Sở GTVT đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép Sở phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành là đầu đối mối nghiên cứu bổ sung phương tiện hoạt động trên các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh theo hướng cầu Thăng Long đi theo đường Vành đai 3 trên cao vào Bến xe Mỹ Đình, bảo đảm đúng hướng tuyến, phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân, đáp ứng khả năng tiếp nhận của bến xe.
Trước mắt, sẽ bổ sung đối với các tuyến đi các huyện, các vùng sâu, vùng xa, tuyến không trùng lặp với các tuyến đã có đi trung tâm các thành phố.
Đồng thời, báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 927/QĐ-BGTVT ngày 15/7/2022 cho phù hợp với thực tế đang hoạt động, cụ thể là bổ sung các tuyến vận tải hướng từ cầu Thanh Trì vào các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm.
Hiện tại, Bến xe Mỹ Đình đang tiếp nhận 3 hướng tuyến, gồm: hướng cầu Thăng Long, hướng Quốc lộ 32, hướng đường Đại lộ Thăng Long kết nối với 16 tỉnh, thành phố phía Bắc, Tây Bắc và Đông Bắc. Còn bến xe Giáp Bát đang tiếp nhận 2 hướng tuyến kết nối với 20 tỉnh, thành phố; Bến xe Nước Ngầm đang tiếp nhận 2 hướng tuyến kết nối với 28 tỉnh, thành phố. Các bến xe này chưa sử dụng hết công suất, doanh nghiệp vận tải cũng sụt giảm sản lượng vận chuyển do vắng khách.