Lúc 10h sáng ngày 15/2, tại ứng dụng AirVisual, Hà Nội xếp thứ 13 trong danh sách 123 thành phố ô nhiễm trên thế giới. Cụ thể, với chỉ số AQI ở mức 156, chất lượng không khí của Hà Nội ở mức màu đỏ "không lành mạnh." Chi tiết tại Hà Nội, trạm đo ở quận Tây Hồ ghi nhận chỉ số AQI cao nhất, màu đỏ "không lành mạnh" ở mức 190.
![Hà Nội mù mịt vì ô nhiễm không khí sáng nay- Ảnh 2. Hà Nội mù mịt vì ô nhiễm không khí sáng nay- Ảnh 2.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/thumb_w/640/324455921873985536/2025/2/15/ha-noi-mu-mit-vi-o-nhiem-ngay-15-17395892770791326383408.png)
Hà Nội mù mịt vì ô nhiễm không khí sáng ngày 15/2.
Như vậy Hà Nội liên tiếp ghi nhận tình trạng chất lượng không khí ở mức nguy hại cho sức khỏe trong nhiều ngày nay. Đất trời mờ mịt khiến người dân phải bịt kín khẩu trang khi ra đường vì lo lắng 'không biết là bụi hay là sương'.
Bà Lê Tú Linh (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, bà duy trì thói quen đi thể dục buổi sáng, nhưng mẫy ngày gần đây thời tiết mù mịt, tầm nhìn rất thấp. Không hiểu đấy là sương hay là bụi mịn, nên cứ phải bịt kín mỗi khi đi ra ngoài để đảm bảo sức khỏe.
Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong nhóm có chất lượng không khí ở mức màu cam "không tốt với các nhóm nhạy cảm" với chỉ số AQI là 132, xếp thứ 21. Số liệu này sẽ thay đổi tùy theo thời điểm và múi giờ, khi các thành phố khác trên thế giới lần lượt bước vào giờ cao điểm, khi lượng xe cộ và các hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất.
Theo VN Air - Ứng dụng cung cấp thông tin chất lượng môi trường không khí trên smartphone do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, khu vực ô nhiễm nhất cả nước tính đến thời điểm 7h45 phút sáng 15/2 thuộc về thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) với chỉ số AQI ở mức 114 màu cam - "Kém."
Cũng theo VN Air, chỉ số chất lượng không khí tốt nhất trên cả nước thuộc về thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) với chỉ số chất lượng không khí màu xanh lá ở mức 7 - Tốt. AQI là chỉ số theo dõi chất lượng không khí dao động từ 0-500, chỉ số càng cao thể hiện mức độ ô nhiễm và tác động đến sức khỏe càng cao.
VN Air sử dụng nguồn dữ liệu được khai thác từ kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục do Tổng cục Môi trường quản lý và các trạm quan trắc môi trường do các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương quản lý.
Việc cập nhật thường xuyên chỉ số chất lượng không khí sẽ giúp người dân có những ứng phó kịp thời khi chất lượng không khí suy giảm như giảm thiểu các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa, sử dụng các loại khẩu trang có thể hạn chế ảnh hưởng của các chất ô nhiễm trong không khí, sử dụng các loại máy lọc không khí…
TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), nhận định rằng chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội có thể tăng cao do hiện tượng sương mù kết hợp với độ ẩm lớn và gió yếu, khiến các chất gây ô nhiễm bị giữ lại trong không khí
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi chất lượng không khí để chủ động hạn chế tác động do ô nhiễm không khí gây ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sáng 15/2: Hoang tưởng bị nhà mạng theo dõi, gã tâm thần vác dao đến FPT dọa đâm nữ nhân viên | SKĐS