UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 49/QĐ-BCĐ về Phương án cứu trợ và bảo đảm đời sống nhân dân khi có sự cố, thiên tai năm 2023. Theo đó, các tình huống thiên tai được thành phố đưa ra gồm: Bão mạnh, siêu bão, mưa lớn ngập úng khu vực ngoại thành; vỡ đê trọng điểm đê, kè Cổ Đô tương ứng K4+000-K8+600 hữu Hồng, huyện Ba Vì; Vỡ đê Hữu Hồng trọng điểm cống Cẩm Đình, tương ứng K1+700 đê Vân Cốc, huyện Phúc Thọ; Vỡ trọng điểm cống Liên Mạc tương ứng K53+450 đê hữu Hồng;
Vỡ trọng điểm khu vực đê, kè Xuân Canh - cống Long Tửu tương ứng K0+000-K2+000 đê tả Đuống, huyện Đông Anh; Vỡ đê tả Bùi, tả Tích, lũ quét rừng ngang, huyện Chương Mỹ; Vỡ đê sông Mỹ Hà, huyện Mỹ Đức; vỡ đập, hồ thủy lợi; Các thảm họa (sập, đổ nhà và các công trình xây dựng, sự cố rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại, chất phóng xạ, cháy, nổ lớn..); động đất.
Theo phương án, người dân vùng có nguy cơ cần chủ động dự trữ lương thực, chất đốt, nước sạch, mắm muối, thực phẩm khô và thuốc y tế thông thường cho thời gian 1 tháng. Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phương châm "3 sẵn sàng" và "4 tại chỗ". Trong đó, "3 sẵn sàng" gồm: Chủ động phòng tránh; bố trí kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả; "4 tại chỗ" gồm: Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu các địa phương thực hiện công tác xây dựng kế hoạch sơ tán, giúp đỡ và bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân; Tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Đồng thời, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống nhân dân; Kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa, lương thực, nước uống, thuốc y tế, phương tiện và lực lượng hỗ trợ;
Về các giải pháp ứng phó tình huống ngập, úng, vỡ đê, đập, hồ thủy lợi, người dân chủ động dự trữ lương thực, chất đốt, nước sạch, mắm muối, thực phẩm khô và thuốc y tế thông thường cho thời gian 1 tháng.
UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện phương châm "3 sẵn sàng" (Chủ động phòng tránh; Bố trí kịp thời; Khắc phục khẩn trương và có hiệu quả) và "4 tại chỗ" (Chỉ huy tại chỗ; Lực lượng tại chỗ; Vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; Hậu cần tại chỗ). Chuẩn bị dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trong thời gian 7 ngày.
UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác xây dựng kế hoạch sơ tán, giúp đỡ và bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân; Tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức, chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh phương án cứu trợ và đảm bảo đời sống Nhân dân.
Đặc biệt, các đơn vị kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hoá, lương thực, nước uống, thuốc y tế, phương tiện và lực lượng vận chuyển hàng, phân phối hàng, cấp phát hàng, lực lượng cán bộ y tế lưu động; Tổ chức các hoạt động cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp tới Nhân dân vùng bị ảnh hưởng.
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), so với các tỉnh, thành phố ven biển hoặc trung du, miền núi phía Bắc, Hà Nội là địa phương ít chịu ảnh hưởng của thiên tai hơn. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn thành phố cũng như các quận, huyện, thị xã không được phép chủ quan. Bởi lẽ, rủi ro từ thiên tai tại Hà Nội là lớn hơn, do nơi đây là trung tâm chính trị của cả nước, đông dân cư và có hoạt động kinh tế - xã hội phát triển sôi động.
Hà Nội cần tập trung ứng phó với 4 loại hình thiên tai lớn và thường gặp gồm: Ngập lụt đô thị và ngoại thành; lũ trên hệ thống sông; dông lốc sét, nắng nóng; bão và động đất ở 1 số khu vực khác có ảnh hưởng dư chấn đến Hà Nội. Hà Nội cần xây dựng phương án ứng phó cụ thể với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra.
UBND TP. Hà Nội giao Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia chương trình dự trữ hàng cứu trợ khẩn cấp; thực hiện dự trữ hàng cứu trợ khẩn cấp, dự kiến cho khoảng 250.000 người, trong thời gian 7 ngày. Trong đó, định mức gồm: Đồ khô ăn liền 3 gói/người/ngày; nước uống 2 lít/người/ngày; nến thắp sáng 1 cây/người; thực phẩm chế biến 1 hộp hoặc gói/người/ngày; sữa uống (hộp giấy) 1 hộp/người/ngày; gạo ăn 0,3kg/người/ngày (số lượng cho khoảng 50.000 người).
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mưa Lớn Ở Miền Bắc Sắp Chấm Dứt, Nắng Nóng Quay Trở Lại | SKĐS