Theo ông Tạ Quang Huy, Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, tổng số sinh 6 tháng toàn thành phố là 32.426 trẻ, trong đó số trẻ là con thứ 3 trở lên là 3.582 trẻ. Đặc biệt, sau 3 năm kiên trì thực hiện các giải pháp đề ra tại Kế hoạch Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2025... tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm và được kiểm soát tốt hơn từ 114,5 trẻ trai/100 trẻ gái năm 2015 xuống còn 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái trong 6 tháng đầu năm 2019.
Tuy nhiên, hiện một số huyện ngoại thành như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Mỹ Đức, Hoài Đức, Mê Linh... tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh vẫn ở mức cao.
Theo ông Tạ Quang Huy, để đạt tỷ lệ giới tính khi sinh như hiện nay, cán bộ phụ trách công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình các quận huyện, thi xã của Hà Nội lồng ghép nội dung tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh vào các buổi truyền thông trước và trong chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp các dịch vụ cho các chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nam giới, vị thành niên, thanh niên. Trong 6 tháng đầu năm 2019 đã thực hiện lồng ghép truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh tại 584 xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, ngành dân số – kế hoạch hóa gia đình cũng tổ chức thực hiện các hoạt động mô hình chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi có con 1 bề là gái tại 4 quận huyện có nhiều người sinh con 1 bề là gái: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Thường Tín. Tổ chức tập huấn cho 1200 cộng tác viên nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, kiến thức về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh tại các địa bàn có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao: Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thường tín...
Bằng nhiều giải pháp trong đó có công tác truyền thông đã góp phần làm cho tỷ lệ giới tính khi sinh của Hà Nội đã giảm và được kiểm soát tốt hơn
Ông Tạ Quang Huy nhấn mạnh, công tác quan trọng hàng đầu để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh là vận động, tuyên truyền, giáo dục thay đổi nhận thức của người dân, các cặp vợ chồng trẻ về bất bình đẳng giới tính... Đồng thời, các quận, huyện, thị xã cần đẩy mạnh việc giám sát, xử lý các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm chẩn đoán giới tính khi sinh, nhất là ở các phòng khám tư.
Để đạt được kết quả trên, lãnh đạo Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội nêu rõ, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt là sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan truyền thông đại chúng trên địa bàn thành phố đã tích cực đưa tin, tuyên truyền, định hướng người dân về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của ngành trong lĩnh vực Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Trong đó, tập trung truyền thông cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại địa bàn có tỷ lệ sinh và sinh con thứ 3 cao; truyền thông chăm sóc sức khỏe vùng dân cư đặc thù; tuyên truyền về giới, bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh.
Từ công tác truyền thông đã tạo được sự chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về Dân số - Kế hoạch hóa gia đình để chất lượng dân số từng bước được nâng cao.
Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cũng đã tổ chức các hoạt động tập huấn cho cán bộ dân số các cấp về chuyên môn nghiệp vụ; tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tổ chức đào tạo kỹ thuật viên khám sàng lọc khiếm thính; đào tạo cán bộ thực hiện kỹ thuật sàng lọc tim bẩm sinh; siêu âm sàng lọc trước sinh và sơ sinh trình độ cơ bản và nâng cao; triển khai thực hiện hoạt động các mô hình nâng cao chất lượng dân số.