Hà Nội khuyến khích các trường lập nhóm gia đình tự quản để nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh

11-02-2022 17:51 | Thời sự
google news

SKĐS - Để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Hà Nội khuyến khích các trường thành lập nhóm gia đình tự quản các em học sinh để phối hợp với nhà trường nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh khi trở lại học trực tiếp.

Các bước xử lý khi có học sinh mắc COVID-19 trong trường họcCác bước xử lý khi có học sinh mắc COVID-19 trong trường học

SKĐS - Khi có học sinh mắc COVID-19 trong trường học thì xử lý như thế nào?

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Công văn số 347/UBND-KGVX về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học.

Theo công văn này, để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh khi trở lại trường học, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thành lập tổ công tác hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 tại các trường học trên địa bàn, tổ công tác do lãnh đạo xã, phường, thị trấn làm tổ trưởng.

Bên cạnh đó, khuyến khích các trường học thành lập nhóm gia đình tự quản các em học sinh (từ 3-5 học sinh/nhóm) để phối hợp với nhà trường, nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh khi trở lại học trực tiếp và tăng cường sự tương tác, gắn kết giữa các học sinh trong lớp học.


Hà Nội khuyến khích các trường lập nhóm gia đình tự quản để nắm bắt tình hình sức khỏe học sinh - Ảnh 2.

Hơn 600.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 của TP. Hà Nội đã đi học trực tiếp từ ngày 8/2.

Đồng thời, phê duyệt kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường học trực tiếp và kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong nhà trường. Xây dựng các phương án bảo đảm bố trí đủ cán bộ y tế học đường tại các trường học.

Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các nhà trường phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc giám sát học sinh thực hiện các quy định phòng, chống dịch, quy tắc "5K" và phương châm "một cung đường, hai điểm đến", kịp thời thông báo với cơ quan y tế trên địa bàn khi học sinh có những biểu hiện nghi nhiễm COVID-19; làm tốt công tác tuyên truyền, ổn định tâm lý cho phụ huynh, các học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường khi có trường hợp mắc COVID-19.

Thành phố cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tiếp tục rà soát các phương án bảo đảm an toàn, có kịch bản ứng phó khi phát hiện ca mắc COVID-19 trong trường học nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa không ảnh hưởng hoạt động dạy và học; tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế trường học về công tác phòng, chống dịch và xử lý các tình huống bất thường xảy ra.

Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế.

Hà Nội là địa phương cho học sinh dừng đến trường thời gian dài và với quy mô lớn nhất cả nước. Sau khi hơn 600.000 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp từ ngày 8/2, ngày 10/2, trên 500.000 học sinh tiểu học và lớp 6 tại 18 huyện, thị xã Hà Nội đã có buổi học trực tiếp đầu tiên của năm học 2021 - 2022. Hiện TP. Hà Nội vẫn còn nhóm học sinh tiểu học và khối 6 ở các quận nội thành chưa trở lại trường học trực tiếp. Khối mầm non chưa có kế hoạch trở lại trường.

Học sinh chỉ đi học nửa ngày, không ăn bán trú, Hà Nội có đang gây khó cho phụ huynh?Học sinh chỉ đi học nửa ngày, không ăn bán trú, Hà Nội có đang gây khó cho phụ huynh?

SKĐS - Sau 2 ngày học sinh Hà Nội được trở lại trường học trực tiếp 1 buổi/ngày trong bối cảnh nhà trường không tổ chức ăn bán trú, nhiều phụ huynh chật vật vừa đi làm, vừa phải đưa con đi học đúng giờ, chăm sóc bữa trưa…


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn