Hà Nội

Hà Nội kéo dài thời gian tiêm vét vaccin sởi

15-05-2014 21:20 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 15/5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP. Hà Nội đã tổ chức họp giao ban định kỳ.

Sáng 15/5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP. Hà Nội đã tổ chức họp giao ban định kỳ. Ngay sau cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - ông Hoàng Đức Hạnh đã trao đổi nhanh với phóng viên (PV) báo SK&ĐS.

Ông Hoàng Đức Hạnh.

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết tính đến thời điểm này dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô ra sao?

Ông Hoàng Đức Hạnh: Về dịch sởi, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 1.614 bệnh nhân sởi, phân bố rải rác ở 390/584 xã, phường của 30 quận, huyện. Hiện số mắc đang duy trì ở mức thấp và xu hướng giảm. Số bệnh nhân vào viện cao nhất trong ngày 25/4 là 152 bệnh nhân nhưng đến ngày 14/5 giảm còn 43 bệnh nhân. Đến nay đã có 372/390 (95,4%) xã, phường đã qua 21 ngày không có bệnh nhân sởi mắc mới; 17 quận, huyện đã qua 21 ngày không có bệnh nhân mắc mới là Ba Đình, Ba Vì, Cầu Giấy, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hà Đông, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Mê Linh, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sơn Tây, Tây Hồ, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Xuân và Thường Tín. Hiện nay đã bắt đầu vào mùa nắng nóng, chúng tôi đang rất lo lắng về sốt xuất huyết, có 42 trường hợp mắc, tập trung chủ yếu ở nội thành, giảm 13 ca so với cùng kỳ năm trước, không có trường hợp nào tử vong. Năm nay là tròn 5 năm dịch sốt xuất huyết bùng phát, vì thế, nguy cơ dịch bùng phát trở lại là rất lớn. Với dịch tay - chân - miệng, kể từ đầu năm đến nay đã có 196 trường hợp mắc, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, số ca bị bệnh thủy đậu tăng mạnh, đến nay toàn thành phố có 1.159 trường hợp mắc, tăng 721 trường hợp, tương ứng 37% so với cùng kỳ năm 2013. Bệnh tập trung nhiều ở huyện Đông Anh, Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì.

PV: Tại cuộc họp này, Hà Nội quyết định kéo dài thời gian tiêm vét vaccin sởi, vì sao có quyết định này, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Hạnh: Chúng tôi đã thống kê bước đầu cho thấy tính đến hết ngày 14/5, tỷ lệ tiêm toàn thành phố đạt 79% (65.016/81.681 trẻ); trong đó có một số đơn vị đạt tỷ lệ thấp như Ba Đình (54,9%), Bắc Từ Liêm (61,2%), Thanh Xuân (63,4%), Long Biên (66,2%), Hà Đông (69,8%), Hoàng Mai (75%), Nam Từ Liêm (71,9%). Trong khi đó, ngày 15/5 và 16/5 là hai ngày cuối cùng để các đơn vị tiêm vét trong đợt này. Với kết quả trên, việc đạt tỷ lệ 95-98% như mục tiêu là rất khó, bởi chỉ có 2 ngày mà phải tiêm cho hơn 17.000 trẻ. Ngay tại cuộc họp, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị có tỷ lệ tiêm thấp nêu nguyên nhân. Theo một số đơn vị, nguyên nhân là do việc rà soát đối tượng khó khăn vì dân tự do đến sinh sống nên khó nắm bắt, thời tiết nắng nóng, học sinh tiểu học đang thi học kỳ. Còn một nguyên nhân nữa là một số đơn vị chưa quyết liệt trong việc triển khai tiêm... Vì những lý do trên, lãnh đạo thành phố đã đồng ý cho phép thời gian tiêm bổ sung sởi cho các đối tượng trên kéo dài đến hết ngày 20/5.

PV: Thưa ông, rút kinh nghiệm qua đợt dịch sởi vừa rồi, chúng ta cần mạnh dạn phân tuyến điều trị ra sao?

Ông Hoàng Đức Hạnh: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, ngành y tế chỉ đạo các quận, huyện chủ động phòng dịch ngay từ đầu. Nếu có bệnh nhân cũng phải phân luồng phân tuyến để tránh lây chéo; đồng thời phải coi phòng chống dịch bệnh mùa hè là nhiệm vụ trọng tâm như chống dịch sởi. Thiết nghĩ, các quận, huyện phối hợp với ngành y tế tuyên truyền nhân dân vệ sinh môi trường nơi ở và trường học để phòng chống dịch bệnh... Trong những ngày tới cần phấn đấu không có bệnh nhân mắc sởi mới. Ngành y tế phải hướng dẫn các quận, huyện giám sát chặt chẽ những nơi còn ca mới. Những ca mới và sốt phát ban mới vẫn phải được phân tuyến, phân luồng ở mức cao nhất. Những nơi không có dịch qua 21 ngày không được chủ quan mà vẫn phải đề cao phòng chống dịch.

Lê Quang (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn