Tham dự buổi truyền thông là các cán bộ ban ngành đoàn thể của phường, lãnh đạo cụm dân cư, tổ dân phố; cộng tác viên dân số, y tế… Đây cũng là lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt để tiếp tục thông tin, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn.
Tại buổi truyền thông, bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cùng chuyên gia của Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường đã thông tin đến người dân những người có nguy cơ về sức khỏe sau vụ cháy và cần được khám và tư vấn về sức khỏe. Đó là người lao động trong công ty, người trực tiếp tham gia chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, xử lý môi trường; những người khác trực tiếp có mặt trong khuôn viên của công ty trong thời gian xảy ra cháy. Người dân sinh sống và làm việc trong khu vực bán kính 500m tính từ hàng rào của công ty trong thời gian xảy ra cháy.
Khi nhiễm độc thủy ngân mức độ thấp, người bệnh thường bị tê và đau nhói ở môi, ngón tay, ngón chân; nếu nặng có thể phù phổi cấp, suy hô hấp. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân sống trong khu vực ảnh hưởng của vụ cháy cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn về sức khỏe. Hiện tại, ngành y tế Hà Nội đang tổ chức khám và tư vấn sức khỏe cho người dân tại trạm y tế phường Hạ Đình và trạm y tế phường Thanh Xuân Trung. Thời gian khám kéo dài từ ngày 6/9 đến hết ngày 12/9/2019.
Kiểm tra sức khỏe cho người dân trại trạm y tế phường Thanh Xuân Trung.
Trước đó, liên quan đến công tác y tế, đặc biệt là đánh giá nguy cơ nhiễm độc thủy ngân cho người dân sau vụ cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, sáng 9/9, TS. Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra công tác khám, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người dân tại 2 trạm y tế phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân.
Tính từ ngày 6/9, ngày đầu tiên triển khai công tác khám sức khỏe đến hết ngày 8/9, có tổng số 927 người được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí tại 2 trạm y tế. Trong đó, số người có nhu cầu chuyển lên bệnh viện tuyến trên là 320 người. Số liệu thống kê của Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn có 19 trường hợp đến khám và làm các xét nghiệm sàng lọc nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, Bệnh viện đa khoa Đống Đa là 14 trường hợp và Bệnh viện Thanh Nhàn 5 trường hợp.
TS. Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, yếu tố tâm lý là hết sức quan trọng, người dân không nên quá lo lắng bởi qua khám sàng lọc, tùy thuộc vào từng biểu hiện sức khỏe, cán bộ y tế sẽ đưa ra lời khuyên, tư vấn phù hợp. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị cung cấp đầy đủ máy móc, trang thiết bị, đặc biệt là huy động các bác sĩ từ bệnh viện hạng I của thành phố Hà Nội để sẵn sàng tiếp đón và khám sàng lọc cho người dân được tốt nhất.
Thực hiện vệ sinh ăn uống bằng cách không sử dụng các thực phẩm như rau xanh, củ quả, các loại thực phẩm khác và nước bị ám khói bụi.