Ngày 1/8 là tròn 5 năm Hà Nội hợp nhất với Hà Tây, khoảng thời gian đủ để kiểm chứng định hướng đúng về đầu tư cho ngành y tế của Hà Nội hợp nhất đã phát huy tác dụng ra sao. Phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS. Nguyễn Khắc Hiền, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về y tế Hà Nội sau hợp nhất.
TS. Nguyễn Khắc Hiền. |
PV: Thưa ông, việc hợp nhất Hà Nội đã đem lại thuận lợi và có những khó khăn như thế nào cho ngành y tế?
TS. Nguyễn Khắc Hiền: Ngày mới thực hiện Nghị quyết 15/2008/NQ-QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP.Hà Nội, hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế có 87 đơn vị trực thuộc. Đến nay, mạng lưới này đã có thêm 4 đơn vị thành lập mới, gồm Trung tâm Bảo vệ sức khỏe môi trường, Chi cục ATTP, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Gia Lâm và Quỹ HIV/AIDS; tiếp nhận thêm 2 trung tâm y tế của các ngành. Với 29 trung tâm y tế, phòng y tế; 14 BVĐK huyện, 577 trạm y tế xã, phường, thị trấn, 4 nhà hộ sinh, 52 phòng khám đa khoa khu vực và mạng lưới y tế thôn bản..., mạng lưới cơ sở y tế của Thủ đô đã ngày một gần dân, góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân một cách tốt nhất. Mở rộng mạng lưới đồng thời đầu tư trang thiết bị và con người là hướng đầu tư đúng đắn. Trong 5 năm qua, các BV Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Mỹ Đức đã được đầu tư nâng cấp, mua sắm thêm nhiều trang thiết bị; BV Phúc Thọ và Gia Lâm được xây mới; 12 BV tuyến huyện còn lại cũng được xây thêm các đơn nguyên 5-9 tầng... BVĐK của 14 huyện đều được trang bị nhiều máy móc kỹ thuật cao như máy nội soi tiêu hóa, máy siêu âm 4 chiều, máy phẫu thuật nội soi, máy Xquang chụp mạch số hóa xóa nền, các hệ thống xét nghiệm sinh hóa tự động, chụp cắt lớp vi tính, hệ thống định vị trong phẫu thuật thần kinh và cột sống... Người dân đã không còn phải đi xa hàng chục kilômét để được thụ hưởng thành quả y học hiện đại.
PV: Khi mới sáp nhập nhiều người lo ngại với địa bàn rộng thì sẽ rất khó khăn trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với hành nghề y dược tư nhân. Y tế Hà Nội khắc phục vấn đề này ra sao?
TS. Nguyễn Khắc Hiền: Để quản lý tốt hơn các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn, chúng tôi đã chỉ đạo và yêu cầu Thanh tra Sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định. Bên cạnh việc giám sát, kiểm tra thường xuyên, chúng tôi cũng mong muốn UBND các quận, huyện cùng phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để giám sát hoạt động và tăng cường quản lý nhà nước về công tác y tế.
5 năm sau hợp nhất, Hà Nội mở rộng đã có nhiều kỹ thuật y tế mới được đưa vào phục vụ nhân dân. |
PV: Trở lại vấn đề giảm quá tải bệnh viện hiện đang được nhiều người dân quan tâm, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, chắc chắn y tế phải có sự đột phá mạnh mẽ như thế nào để chia sẻ và giảm gánh nặng cho các bệnh viện tuyến Trung ương?
TS. Nguyễn Khắc Hiền: Được sự quan tâm của Thành ủy và UBND thành phố, 5 năm trở lại đây, y tế Hà Nội được quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Về phía ngành y tế, các BVĐK tuyến huyện đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh thông thường của nhân dân trên địa bàn, thực hiện được kỹ thuật đúng tuyến, nhiều nơi thực hiện được kỹ thuật vượt tuyến như mổ nội soi... Số lượt khám chữa bệnh tại các BV tuyến huyện ngày càng tăng, công suất sử dụng giường bệnh của các cơ sở này đều đạt trên 100%. Số bệnh nhân điều trị nội trú hằng năm đều tăng, giảm số bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên. Nhiều kỹ thuật cao về phẫu thuật thần kinh sọ não, chấn thương chỉnh hình, mở rộng phẫu thuật nội soi; trong lĩnh vực ung bướu đã áp dụng chẩn đoán bằng máy xạ hình, điều trị bằng máy gia tốc tuyến tính; trong lĩnh vực tim mạch, hiện đã có thể mổ tim cho trẻ nhẹ cân; trong sản nhi đã tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, sàng lọc và chẩn đoán trước sinh, áp dụng kỹ thuật di truyền và sinh học phân tử... những cố gắng không nhỏ đó chắc chắn đã phân luồng và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
PV: Xin cảm ơn ông!
Anh Quang (thực hiện)