Hà Nội

Hà Nội hơn 1.000 người mua Pate Minh Chay; BV Chợ Rẫy đề nghị nhập thuốc hiếm dự phòng

04-09-2020 17:02 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - BV Chợ Rẫy đề nghị cần sớm xác định nguyên nhân và xem xét cho nhập thuốc antitoxin Botulinum dự phòng, phục vụ cho công tác điều trị các bệnh nhân ngộ độc Botulinum.

Liên quan đến vụ việc ngộ độc Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối Sống Mới, Sở Y tế Hà Nội vừa có báo cáo khẩn về kết quả điều tra giám sát ngộ độc thực phẩm do pate Minh Chay.

Theo đó, từ ngày 1/7 đến 28/8 có 1.187 khách hàng ở Hà Nội mua pate Minh Chay. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội và 30 quận, huyện, thị xã đã gọi điện và liên hệ được với 694 khách hàng.

Các khách hàng này đã mua 850 lọ pate Minh Chay, 43 lọ ruốc nấm heri, 88 lọ muối vừng bát bảo đặc biệt, trong đó đã sử dụng (hoặc bỏ đi) 685 lọ pate Minh Chay, 28 lọ ruốc nấm, 71 lọ muối vừng và chỉ còn lại 165 lọ pate Minh Chay đang thu hồi.

Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đang tiếp tục điều tra, hướng dẫn khách hàng có tình trạng sức khỏe bất thường sau khi sử dụng pate Minh Chay được khám và điều trị kịp thời.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm do Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới cung cấp cho đến khi có kết luận của các cơ quan chức năng.

Ngoài ra, Công an thành phố Hà Nội cũng thu thập tài liệu thông tin phục vụ điều tra hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới.

Về tình hình sức khỏe khách hàng sau khi sử dụng pate Minh Chay, đa số có sức khỏe bình thường. Tuy nhiên, hai bệnh nhân (là hai vợ chồng, trong đó chồng 70 tuổi, vợ 68 tuổi) đang điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum.
Ngoài ra, 24 trường hợp khác sau khi ăn pate Minh Chay khoảng 1-3 ngày có một số triệu chứng, như: Đau đầu, mệt mỏi chân tay, đau bụng, chóng mặt, tê bì chân, tay. Các trường hợp này đã được hướng dẫn đến cơ sở y tế khám và theo dõi sức khỏe tại gia đình, khi cần thiết đến bệnh viện tái khám.

Pate Minh Chay khiến nhiều người ngộ độc.

Đề nghị xem xét cho nhập thuốc antitoxin Botulinum dự phòng

Bệnh viện Chợ Rẫy vừa báo cáo Bộ Y tế về chùm ca bệnh nghi ngờ ngộ độc Botulinum. Báo cáo cho biết, BV đã tiếp nhận 6 bệnh nhân chuyển từ các bệnh viện tỉnh (gồm 2 bệnh nhân từ Khánh Hòa, 2 bệnh nhân từ Đồng Nai và 2 bệnh nhân từ Bà Rịa Vũng tàu).

Cả 6 bệnh nhân khi vào viện đều có một số đặc tính lâm sàng giống nhau như nôn ói, đau thượng vị, khó thở, suy hô hấp, sụp mi, yếu chi, không sốt, không rối loạn tri giác… Các triệu chứng này xuất hiện sau khi họ ăn pate chay hiệu Pate Minh Chay từ 1 đến 2 ngày.

Tại buổi hội chẩn với các bác sĩ đầu ngành về chuyên khoa Hồi sức - Chống độc thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, BV Quân Y 175 và đại diện Ban Quản lý ATVS thực phẩm TP.HCM vào ngày 24/8, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng cho biết, đã tiếp nhận 3 bệnh nhân trong cùng 1 gia đình tại Long An với đặc điểm lâm sàng cũng giống như các bệnh nhân tại BV Chợ Rẫy.

Trước thực tế trên, Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, cần sớm xác định nguyên nhân và xem xét cho nhập thuốc antitoxin Botulinum dự phòng, phục vụ cho công tác điều trị.

Hiện nay thuốc này không có trên thị trường trong nước và do thuốc chỉ có hiệu quả đối với bệnh nhân bị ngộ độc trong vòng 1 tuần nên cần phải nhập trước để dự phòng trong trường hợp xuất hiện các bệnh nhân mới.

 

Làm sao để biết bạn có bị ngộ độc sau khi đã ăn thực phẩm PATE MINH CHAY?
- Ngộ độc xuất hiện thường xuất hiện sau ăn lần cuối 12-36 giờ, tối đa 1 tuần.
- Tất cả các trường hợp bữa ăn cuối cùng đã ăn quá 1 tuần mà không biểu hiện bất thường là bạn không bị ngộ độc.
- Nếu bữa ăn cuối cùng của bạn trong vòng 1 tuần trong khi bạn chưa có biểu hiện gì bất thường, bạn bình tĩnh theo dõi, khi có biểu hiện bất thường thì tới cơ sở y tế gần nhất khám và điều trị.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum:
Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum thường chỉ xảy ra với các loại thực phẩm đóng kín trong môi trường thiếu không khí (trong hộp, chai, lọ, can, lon, bao, túi) trong khi điều kiện sản xuất bị nhiễm bẩn và môi trường bên trong thực phẩm không đảm bảo để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển, do đó bạn cần:
- Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận.
- Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ đáng lẽ chua nhưng lại không chua).
- Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm theo các cách khác nhau (hộp, chai, lọ, hộp…) trong thời gian kéo dài trong điều kiện không phải đông đá.
- Ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín. Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm).
- Với các thực phẩm đóng gói kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối…): bạn cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

(TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai)

 


Dương Hải
Ý kiến của bạn