Ngày 18/2, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức hội nghị trực tuyến với các phòng GD&ĐT, các nhà trường về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp đạt gần 92% và đã nhận được sự đồng thuận của dư luận xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của phụ huynh học sinh.
Liên quan đến việc đi học trực tiếp của học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 12 quận nội thành vào ngày 21/2 tới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, chủ trương cho học sinh trở lại trường học trực tiếp theo nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh học sinh. Nội dung này đã được trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý các nhà trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức dạy học linh hoạt, hiệu quả; chỉ tổ chức dạy học trực tiếp nếu ở địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; nhà trường phải đạt yêu cầu an toàn phòng, chống dịch theo quy định.
Về việc ăn bán trú của học sinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương thông tin: Sở đã có văn bản trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt về việc cho phép các nhà trường tổ chức học trực tiếp 2 buổi/ngày, tổ chức ăn bán trú và dịch vụ xe đưa - đón học sinh; thời gian triển khai từ ngày 21/2. Khi được UBND thành phố phê duyệt, Sở sẽ có văn bản thông báo, hướng dẫn để các nhà trường kịp thời chuẩn bị.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các nhà trường căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể của từng đơn vị, xây dựng phương án thực hiện để đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục của đơn vị và nguyện vọng của phụ huynh học sinh; đồng thời báo cáo, xin ý kiến phê duyệt của UBND cấp quận.
Việc tổ chức cho trẻ mầm non trở lại trường, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết đã trình UBND thành phố cho phép trẻ mầm non trên địa bàn trở lại trường từ ngày 1/3 theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ trẻ. Trên cơ sở định hướng này, Sở đề nghị các phòng GD&ĐT, các nhà trường tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón trẻ khi có thông báo.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý với các đơn vị, nhà trường tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm túc, thống nhất quy trình xử lý F0 tại trường.
Trong quá trình xử lý F0, các nhà trường nên khoanh vùng ở mức hẹp nhất, hạn chế thấp nhất sự xáo trộn trong dạy học, đồng thời bảo đảm an toàn cho học sinh. Nhà trường cần lưu ý, những học sinh có kết quả test nhanh âm tính, không thuộc diện F1 ở cùng lớp vẫn học tập bình thường, thực hiện nghiêm túc "5K" và tự theo dõi sức khỏe.
Quy trình xử lý F0 tại trường học được Bộ GD&ĐT ban hành trong Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 gồm 4 bước:
Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của Sở giáo dục và cha mẹ học sinh; tiếp tục cách ly tạm thời F0. Thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SPO2 dưới 97% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu. Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: Tư vấn, hướng dẫn cha mẹ học sinh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp nhận xử lý.
Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên, không quá 3 người/mẫu. Các lớp khác hoạt động bình thường.
Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp khác nhau, tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau:
- Hai lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng.
- Hai lớp ở khác tầng, cùng khối nhà thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà.
- Hai lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì xử lý theo lớp học.