Hà Nội hỗ trợ kinh phí cho các trường bồi dưỡng, bổ trợ, ôn tập cho học sinh

25-02-2025 11:45 | Xã hội
google news

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết Hà Nội đã có lộ trình để hỗ trợ kinh phí các nhà trường cho bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức cho học sinh theo quy định của Thông tư 29.

Hà Nội hỗ trợ kinh phí cho các trường bồi dưỡng, bổ trợ, ôn tập cho học sinh- Ảnh 1.

Việc dạy thêm, học thêm được quản lý chặt chẽ sẽ nêu cao trách nhiệm của giáo viên và đảm bảo quyền lợi cho học sinh. (Ảnh minh họa: Bích Huệ/TTXVN)

Hà Nội đã có lộ trình để hỗ trợ kinh phí các nhà trường cho bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức cho 3 nhóm học sinh theo quy định của Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm. Cụ thể, ba nhóm đối tượng học sinh gồm bồi dưỡng học sinh giỏi, bổ trợ kiến thức cho học sinh yếu kém, ôn tập cho học sinh cuối cấp.

Đây là thông tin được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết ngày 24/2, tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Thông tư 29.

Trước đó, lãnh đạo một số trường cho biết Thông tư 29 yêu cầu không dạy thêm, học thêm có thu phí trong nhà trường, dẫn đến khó khăn cho các trường trong kinh phí chi trả cho giáo viên để thực hiện bồi dưỡng học sinh giỏi hay bổ trợ kiến thức cho học sinh yếu kém, đặc biệt là việc ôn thi cho học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào lớp 10 và học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như tuyển sinh đại học.

Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có giải pháp hỗ trợ kinh phí cho các nhà trường trong các hoạt động này.

Tại buổi kiểm tra thực hiện Thông tư 29, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cũng đề nghị Hà Nội gương mẫu đi đầu thực hiện Thông tư, trong đó thực hiện ‘5 không’ và ‘4 đề cao’ với tinh thần quyết liệt, trực diện, hiệu quả, bàn các giải pháp để thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị các cấp quản lý cùng quán triệt quan điểm “5 không” và thực hiện tốt “4 đề cao”. Cụ thể “5 không” gồm: không “đánh trống bỏ dùi”, không thoả hiệp, không khoan nhượng, không biến tướng, không nói khó mà không làm. “4 đề cao” gồm: đề cao vai trò cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đề cao tinh thần tự tôn, tự trọng, tinh thần hết lòng vì học sinh của giáo viên; đề cao tính tự giác, tự học của học sinh; đề cao vai trò mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội./.


Phạm Mai (Vietnam+)
Ý kiến của bạn