Dịch bệnh COVID-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất-kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Vì vậy, khi thành phố phân chia mức độ giãn cách thành 3 vùng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp “vùng xanh” khôi phục trở lại sản xuất, sẵn sàng cho một giai đoạn bình thường mới.
Doanh nghiệp chủ động thích ứng phòng, chống dịch
Những ngày này, tại nhiều huyện, thị xã "vùng xanh" theo Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của UBND thành phố Hà Nội, không khí tất bật sản xuất đã trở lại.
Trong gần 2 tháng qua, tình hình sản xuất-kinh doanh tại cơ sở May tư nhân của anh Tiến trên địa bàn huyện Chương Mỹ gần như bị đóng băng. Việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 buộc công ty phải tạm dừng đơn hàng để thay đổi và sắp xếp lại quy trình sản xuất.
Chuyên về may gia công các mặt hàng bảo hộ lao động, nên khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều nhân viên ở xa hoặc sống tại một số khu vực cách ly, phong tỏa đã tạm nghỉ việc, chưa kể việc vận chuyển nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất cũng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, khi thành phố Hà Nội triển khai 3 phân vùng, cho phép nới lỏng nhiều hoạt động tại "vùng xanh" đã giúp cơ sở của anh Tiến có điều kiện để vận hành lại guồng máy sản xuất.
"Để không bị chậm tiến độ giao hàng, cơ sở đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch; sắp xếp lại thời gian lao động và thiết bị máy móc nhằm thích ứng với bối cảnh mới," anh Tiến chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Thược, Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại phụ kiện ngành may Tam Niên (Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai) cho biết, đơn vị có 140 lao động, chủ yếu có nhà ở, hoặc thuê chỗ ở trên địa bàn huyện Thạch Thất và Quốc Oai. Đến nay, đơn vị đã được huyện tạo điều kiện, phê duyệt phương án sản xuất an toàn, cho phép 70% lao động trở lại làm việc. Chấp hành nghiêm công tác phòng, chống dịch, đơn vị thực hiện đồng thời 2 phương án "1 cung đường 2 điểm đến" và "3 tại chỗ", để công nhân yên tâm lao động.
Đánh giá về mô hình "Vùng xanh doanh nghiệp" được thực hiện theo hướng dẫn của Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai (Hà Nội) tại Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam, ông Chandan Singh, Tổng giám đốc Công ty đã cảm ơn tổ chức Công đoàn. Bởi mô hình đã giúp doanh nghiệp rất nhiều trong việc đảm bảo phòng chống dich an toàn và không đứt gãy sản xuất.
Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam có hơn 700 cán bộ, người lao động. Ông Hoàng Văn Tiển, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết Tổ An toàn COVID-19 của Công ty được thành lập ngay khi Liên đoàn lao động quận Hoàng Mai triển khai, từ tháng 5/2021 và duy trì hoạt động hiệu quả trong suốt thời gian qua.
Đặc biệt, trong thời gian giãn cách, Công ty triển khai thực hiện mô hình "Vùng xanh doanh nghiệp" theo hướng dẫn của Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai.
Với mô hình này hiện có 60 người làm việc "3 tại chỗ"; 100% người lao động được xét nghiệm hàng tuần; được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trước đây Công ty có quy định bàn giao giữa 2 ca nhưng nay thực hiện giãn cách nên 2 ca không gặp nhau, ca trước về hết, ca tiếp theo mới vào; những vị trí nào có thể ăn tại chỗ thì sẽ nhận hộp cơm, không ăn tập trung.
Theo ông Chandan Singh, việc thực hiện giãn cách đã khiến một số người lao động của Công ty không vào được Hà Nội, cùng đó là những khó khăn do dịch bệnh nên công suất của Công ty giảm từ 20 – 25%. Nhưng Công ty vẫn đảm bảo không người lao động nào bị giảm lương, kể cả những người không đến Hà Nội làm việc được do giãn cách.
Điều mà ông Chandan Singh nhấn mạnh là để giữ được như hiện nay, Công ty đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền địa phương, từ tổ chức Công đoàn thông qua sự hướng dẫn cụ thể về các biện pháp phòng, chống dịch cũng như thực hiện mô hình "Vùng xanh doanh nghiệp".
Linh hoạt điều chỉnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
UBND TP. Hà Nội cho biết, tính đến 31/8/2021, Hà Nội đã tiếp nhận giấy gia hạn đối với doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng là 29.084 người nộp thuế với số tiền đề nghị gia hạn là 8.278 tỷ đồng (tăng 30% so với thời điểm ngày 28/7/2021, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020 - gia hạn theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP).
Đối với tiền thuê đất, đã tiếp nhận đề nghị gia hạn là 1.351 người nộp thuế với số tiền đề nghị gia hạn là 1.044 tỷ đồng (tăng 17% so với thời điểm ngày 28/7/2021, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2020).
Đối với cá nhân kinh doanh, cơ quan thuế Hà Nội đã tiếp nhận giấy gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân với cá nhân kinh doanh là 660 hộ với số tiền đề nghị gia hạn 20,3 tỷ đồng (tăng 150% so với thời điểm ngày 28/7/2021, bằng 38% so với cùng kỳ năm 2020).
Dự kiến, số thuế và tiền thuê đất còn được gia hạn là 13.200 tỷ đồng, trong đó, thuế giá trị gia tăng tháng 3 đến tháng 8 và quý I, II năm 2021 khoảng 5.730 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân tạm nộp quý I/2021 là 6.250 tỷ đồng, tiền thuê đất kỳ 1/2021 là 1.200 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân của hộ cá nhân, kinh doanh là 20 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính cả 5.734 tỷ đồng số thuế tạm nộp quý I/2021 được gia hạn nhưng đến hạn và đã nộp vào ngân sách trong tháng 7/2021 thì tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn đến thời điểm 31/8/2021 là 18.937 tỷ đồng.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và sức khỏe, tính mạng của nhân dân, TP. Hà Nội đang rà soát các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Thủ tướng Chính phủ để quyết liệt tổ chức thực hiện với quyết tâm kìm chế, kiểm soát tình hình dịch bệnh. Thành phố đã xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế của Thành phố và sẽ nỗ lực, cố gắng để đạt được mức tăng trưởng cao nhất.
Tại Chỉ thị số 20/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội về việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, một nguyên tắc thực hiện quan trọng mà Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu là hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn bảo đảm quy định phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông hàng hóa.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.