Hà Nội gió mùa: Sự hòa hợp xóa bỏ những nỗi niềm chiến tranh

02-10-2014 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Từ truyện ngắn “Nhiệt đới gió mùa” của nhà văn Lê Minh Khuê; Nhà hát Cải lương Việt Nam đã chuyển thể thành kịch bản sân khấu và dàn dựng thành vở cải lương “Hà Nội gió mùa”.

Đây cũng là một trong số ít vở diễn vừa mới ra rạp và tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ nhất (từ 26/9 đến 5/10) tại Hà Nội.

Tác giả kịch bản chuyển thể Nhiệt đới gió mùa thành Hà Nội gió mùa là PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái; đạo diễn là NSUT Hoàng Quỳnh Mai, trước khi Hà Nội gió mùa tham gia Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ Nhất, vở diễn đã được công diễn phục vụ những người yêu sân khấu tại Hà Nội. Khi xem Hà Nội gió mùa, khán giả đều bị thuyết phục bởi tính nhân văn và chất Hà thành được bộc lộ rõ nét trong vở diễn.

Cảnh trong vở cải lương Hà Nội gió mùa

Cảnh trong vở cải lương "Hà Nội gió mùa"

Hà Nội gió mùa chuyển tải câu chuyện tình tay ba đắng chát giữa hai người đàn bà gồm Hân (vợ chính), Việt (vợ nhỏ) và ông Cơ. Câu chuyện ấy không chỉ liên quan tới hai người phụ nữ luôn bị nỗi ám ảnh giày vò, mà còn kết nối số phận hai người con trai giống nhau như tạc của họ là Đàm Nghĩa Hiếu và Đàm Nghĩa Phong. Cuộc đời đẩy đưa, số phận bắt hai chàng trai, dù gì cũng là con một nhà, trở thành những người đối đầu trên hai chiến tuyến. Phong, một sĩ quan ngụy, đã bắt được Hiếu - sĩ quan quân đội giải phóng, rắp tâm trả mối thù của mẹ (Việt) mà anh nhầm tưởng là do mẹ con Hân, Hiếu gây ra. Khi đất nước thống nhất, Phong phải vào trại cải tạo. Mâu thuẫn được đẩy lên đến mức tưởng như khó có thể gỡ nổi khi Hiếu, dù không muốn gieo thêm hận thù nhưng tội ác của Phong quá lớn… Cuối cùng, bàn tay tài hoa của ê kíp sáng tạo đã gỡ rối cho nhân vật, tạo ra một cái kết thấu tình đạt lý.

Một câu chuyện trải dài đến mấy chục năm, và đã được giải mã xung đột một cách hợp lý, tạo dựng một cái kết bảo đảm tính nhân văn. Vở diễn mang chất cải lương hiện đại mà không bi lụy. Tất cả diễn viên trên sân khấu đều thể hiện vai diễn một cách mềm mại, trữ tình nhưng không làm mất đi tính khốc liệt của chiến tranh. Và vở diễn thành công một phần cũng từ sự góp mặt của những giọng ca cải lương đầy ngọt ngào, sâu lắng của Nhà hát kịch Việt Nam như Hồng Hạnh, Hồng Hà, Bùi Thị Dung, Mạnh Hùng, Trọng Bình…

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết, thông điệp của bà muốn gửi gắm qua Hà Nội gió mùa rất giản dị. Đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ của người Việt Nam không chỉ diễn ra giữa người Việt Nam và Mỹ mà có thể còn bị xé đôi vì những vĩ tuyến 17. Có những số phận cực kỳ khủng khiếp nên cách đặt vấn đề phải hòa hợp. Do đó, giữa hai anh em Hiếu - Phong phải có sự hòa hợp thì mới xóa bỏ được những di hận của chiến tranh, vì chiến tranh bao giờ cũng để lại những nỗi niềm...

Xem vở cải lương Hà Nội gió mùa, tất cả khán giả đều nhận ra được tình yêu mãnh liệt của bản thân đối với mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Ở vở diễn này, Hà Nội một thời thật đẹp thông qua những hình ảnh cô gái trong tà áo dài trắng, các khu phố cổ, cầu Long Biên lịch sử vắt ngang sông Hồng...Những điều đó thật gần gũi, thân quen và cùng với giá trị tư tưởng, Hà Nội gió mùa sẽ tự tìm được chỗ đứng trong lòng những ai yêu nghệ thuật cải lương nói riêng, sân khấu nói chung.

Quỳnh Trang

 

 


Ý kiến của bạn