Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường (TN&MT) Hà Nội tại Cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội (chiều 6/10). Đơn vị này đã thực hiện mọi biện pháp, công khai quy trình, thủ tục cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất. Cắt giảm thủ tục đến mức tối đa, hiện chỉ còn 3-4 thủ tục. Đối với hồ sơ đã được thẩm định đủ điều kiện, chưa có hồ sơ nào để quá 20 ngày. Còn ở đâu đó người dân “kêu ca” về dịch vụ công, thời gian... thì đó là những trường hợp rất cá biệt.
Nhiều chuyển biến tích cực
Thông tin với báo chí, ông Nghĩa cho biết, thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu kịp thời UBND thành phố ban hành các quy định, các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND thành phố được Luật Đất đai và các Nghị định của Chính phủ giao về đăng ký, cấp GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, đã kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp GCN quyền sử dụng đất. Theo đó, tính đến hết năm 2014, trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.457.478 thửa đất trong khu dân cư, trong đó có 1.313.467 thửa đất đủ điều kiện cấp GCN, 144.011 thửa đất chưa đủ điều kiện cấp GCN. Hà Nội đã cấp GCN lần đầu được 1.250.212/1.313.467 thửa đất, đạt 86%.
Quy trình cấp sổ đỏ được giảm tối đa tạo sự thuật lợi cho người dân.
Cũng theo ông Nghĩa, việc cấp GCN cho người mua nhà thuộc các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội cũng có nhiều chuyển biến tích cực và đạt kết quả khả quan. Cụ thể, tính lũy kế đến hết năm 2014, đã có khoảng 72.300 căn/112.000 căn chủ đầu tư xây dựng xong và đã bàn giao cho người mua nhà và trên địa bàn thành phố đã thực hiện cấp 40.500 GCN. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2015, Sở đã thẩm định giải quyết 20.260 hồ sơ cấp GCN quyền mua nhà cộng với GCN do các quận, huyện cấp đã vượt con số 40.500 GCN của năm 2014. Liên quan đến việc hoàn thành chỉ tiêu cấp GCN này, Hà Nội được đánh giá là 10 sự kiện nổi bật nhất của ngành TN&MT.
Đối với tổ chức, tính lũy kế đến 31/12/2014, trên địa bàn thành phố đã cấp được 10.099 GCN, với diện tích 16.700,8ha; tỷ lệ theo diện tích đạt 62,3%. Ông Nghĩa lý giải, hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị, tổ chức ngại lập hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCN theo quy định. Lý do bởi nhiều đơn vị khi tiến hành kê khai cấp GCN phải thực hiện xong các bước như chuyển từ doanh nghiệp (DN) Nhà nước sang công ty cổ phần, xác định các vị trí đất DN được tiếp tục quản lý, sử dụng..., dẫn đến biến động về diện tích, hình thể thửa đất khiến DN ngại tiến hành kê khai, lập hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCN quyền sử dụng đất. “Nhiều trường hợp chỉ khi có nhu cầu liên quan đến sử dụng đất như giao dịch đảm bảo, tách, nhập DN hoặc xin chuyển mục đích sử dụng đất thì DN mới liên hệ với Sở để được hướng dẫn và lập hồ sơ xin cấp GCN theo quy định”, ông Nghĩa cho biết thêm.
Tồn đọng chủ yếu là do vi phạm pháp luật về đất đai
Liên quan đến câu hỏi vì sao còn 144.011 thửa đất còn tồn đọng chưa đủ điều kiện cấp GCN, ông Nghĩa lý giải là do hầu hết các thửa đất này có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai. Cụ thể như: đất lấn chiếm, đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền; nằm trong hành lang bảo vệ công trình công cộng; vi phạm pháp luật đất đai đã bị tòa án quyết định xử lý hoặc kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân, kết luận của thanh tra các cấp và quyết định xử lý hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng đến nay chưa xử lý được... nên để lại chưa giải quyết.
Xung quanh ý kiến cho rằng, công tác cấp “sổ đỏ” còn bất cập, nhiều hộ dân về sống tại các chung cư, khu đô thị mới nhiều năm nhưng vẫn chưa có “sổ đỏ”? Ông Nghĩa cho biết, một số trường hợp mua nhà ở tại các dự án phát triển nhà nhưng chưa được cấp GCN là do chủ đầu tư đã vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng; xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết hoặc giấy phép được cấp... Đặc biệt, nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai. Thậm chí, chủ đầu tư sau khi hoàn thành xây dựng, bàn giao nhà ở xong vẫn chậm trễ việc nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp GCN cho người mua nhà..., vì vậy rất khó để làm sổ đỏ.
Để giải quyết tình trạng này, Sở đã tham mưu UBND thành phố thực hiện nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: Thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra xử lý các vi phạm, tồn tại của chủ đầu tư; quy định rõ và công khai thẩm quyền, trách nhiệm trong tiếp nhận giải quyết hồ sơ cấp GCN cho người mua nhà để tránh chồng chéo. Sở cũng trực tiếp tháo gỡ khó khăn và hướng dẫn đẩy nhanh công tác cấp GCN cho người mua nhà tại các dự án như: cho phép người mua nhà trực tiếp nộp hồ sơ; thông báo danh sách các chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ... Đồng thời, tuyên truyền công khai quy trình cấp GCN cho người mua nhà; cử cán bộ phối hợp chủ đầu tư hướng dẫn kê khai sắp xếp, tiếp nhận hồ sơ tại dự án.
Sở TN&MT cùng với Cục Thuế Hà Nội, Kho bạc Nhà nước cũng đã phối hợp ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục luân chuyển và giải quyết hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính về nhà, đất khi được cấp GCN cho chủ đầu tư và người dân. Tuy nhiên, việc xử lý nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư nhiều trường hợp còn khó thực hiện..., gây khó khăn cho công tác cấp GCN, thời gian tới Sở sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng này, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trần Lâm