Công văn nêu rõ, UBND thành phố nhận được Công văn số 1956/VPQH-GS ngày 24/7/2019 của Văn phòng Quốc hội về việc báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Về việc này, UBND thành phố giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội là đầu mối, liên hệ với các đơn vị liên quan của Văn phòng Quốc hội, phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch số 36/KH-ĐGS ngày 22/7/2019 của Đoàn giám sát của Quốc hội và Công văn số 1956/VPQH-GS ngày 24/7/2019 của Văn phòng Quốc hội, dự thảo Báo cáo của UBND thành phố đảm bảo chất lượng, trình UBND thành phố xem xét trước ngày 25/8/2019.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ động lựa chọn 1 quận, huyện để Đoàn giám sát đến làm việc, báo cáo Đoàn giám sát và UBND thành phố trước ngày 5/8/2019; chủ trì, phối hợp với đơn vị được lựa chọn giám sát xây dựng báo cáo theo đề cương yêu cầu của Đoàn giám sát tại Kế hoạch số 36/KH-ĐGS ngày 22/7/2019 và Công văn số 1956/VPQH-GS ngày 24/7/2019, tổng hợp báo cáo Đoàn giám sát và UBND thành phố trước ngày 20/8/2019, đảm bảo chất lượng, đúng yêu cầu.
Phối hợp với đơn vị thường trực của Đoàn giám sát thống nhất về nội dung, chương trình làm việc tại thành phố Hà Nội, báo cáo UBND thành phố trước khi Đoàn giám sát làm việc với UBND thành phố.
Chủ động liên hệ với Đoàn giám sát và các đơn vị liên quan của thành phố, triển khai thực hiện, báo cáo UBND thành phố kịp thời.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan: Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tư pháp, Tài chính, Công an thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố, Tòa án Nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố xây dựng báo cáo theo đề cương yêu cầu của Đoàn giám sát, gửi Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trước ngày 20/8/2019 để tổng hợp chung, báo cáo Đoàn giám sát đúng tiến độ.
UBND các quận, huyện, thị xã chủ động cung cấp số liệu, tài liệu, thông tin liên quan để Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp theo đề cương của Đoàn giám sát, báo cáo UBND thành phố.
Riêng trong năm 2018, cả nước có 1.547 vụ xâm hại thân thể trẻ em với hơn 1.579 trẻ bị xâm hại. Theo một báo cáo do Economist Intelligence Unite (EIU - một doanh nghiệp độc lập chuyên cung cấp những dịch vụ dự đoán và cố vấn qua nghiên cứu, phân tích) thực hiện và công bố ngày 16/1/2019, thì Việt Nam đứng thứ 37 trong 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em. Báo cáo nêu rõ, Việt Nam có ba điểm yếu trong hoạt động chống xâm hại tình dục trẻ em là: thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông. Hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện trong năm 2018 là con số thực sự đáng báo động, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đáng quan ngại là các tội “hiếp dâm trẻ em”, “giao cấu với trẻ em”, “dâm ô với trẻ em” chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Các vụ án xâm hại trẻ em xảy ra nhiều nhất tại hai thành phố lớn là Hà Nội với 88 vụ (đã khởi tố 47 vụ, trong đó 44 vụ xâm hại tình dục); TP Hồ Chí Minh: 77 vụ. Các tỉnh thành tiếp theo là: Đác Lắc: 52 vụ, Tây Ninh: 51 vụ, Đồng Nai: 46 vụ... Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang có nguy cơ trở thành một vấn nạn xã hội khi thời gian gần đây số vụ việc bị phát hiện liên tục gia tăng, với hành vi gây án ngày càng táo tợn, nghiêm trọng. Chưa kể, đối tượng gây án còn có cả những người có học thức, trình độ, vị trí, thậm chí là người thân quen, gây phẫn nộ trong dư luận.
Xâm hại tình dục trẻ em là hành vi phạm tội nghiêm trọng, cần thiết lên án, trừng trị thích đáng, cũng như đòi hỏi cả xã hội và mọi người dân có trách nhiệm ngăn chặn, cảnh giác, đề phòng, dũng cảm lên tiếng bảo vệ chính mình và những người chung quanh.