Với 77 trường hợp mắc sốt xuất huyết được ghi nhận trong tuần cho thấy số trường hợp mắc tăng 9 ca so với tuần trước đó. Bệnh nhân phân bố tại 19 quận huyện, 43 xã phường.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 548 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 181 xã, phường của 30 quận, huyện, thị xã, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2018 và không có trường hợp tử vong.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã duy trì hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân tại các bệnh viện được phân cấp giám sát và tại cộng đồng. Giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh; giám sát trước và sau chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.
Tổ chức 71 chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết tại 12 quận, huyện. Tổng số lượt hộ trong khu vực nguy cơ được phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là 87.350/102.874 hộ đạt 85%; 122 công trường xây dựng, 874 cơ quan, trường học, khu công cộng trong khu vực nguy cơ được phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.
Tỷ lệ phun ở một số quận huyện như sau: Cầu Giấy (80%), Đống Đa (71%), Hà Đông (86%), Thanh Oai (96%), Hoàng Mai (75%), Ứng Hòa (90%), Thanh Xuân (92%), Thạch Thất (98%).
Các chuyên gia dự báo, từ nay cho đến hết ngày 25/6, thời tiết vẫn duy trì ở nhiệt độ từ 28-36 độ C, có mưa rải rác trong tuần. Đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, kết quả giám sát véc tơ các tuần gần đây đều có xu hướng tăng cao.
Chính vì vậy, Sở Y tế yêu cầu cần tiếp tục duy trì thường trực đội chống dịch cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và của các TTYT quận, huyện. Duy trì các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch. Đồng thời, tập huấn cho cán bộ y tế các quận, huyện về công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết Dengue và các dịch bệnh khác.
Về phía người dân, ngành y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả cần sự chung tay của chính quyền các cấp, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình với mục tiêu “Không có lăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết”.
Trong tuần cũng ghi nhận 18 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 3 trường hợp so với tuần trước đó. Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 308 bệnh nhân mắc tay chân miệng tại 177 xã, phường của 30 quận, huyện, thị xã; giảm 61,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Số bệnh nhân mắc ho gà ghi nhận 4 trường hợp mắc tại Cầu Giấy, Đống Đa, Thạch Thất, Thanh Trì. Tính từ đầu năm đến nay, đã có 77 trường hợp mắc tại 65 xã, phường, thị trấn của 26 quận, huyện, thị xã, tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tuần ghi nhận 1 trường hợp mắc liệt mềm cấp, 1 trường hợp mắc não mô cầu, 1 bệnh nhân viêm não vi rút, không có tử vong. Không ghi nhận trường hợp mắc viêm phổi nặng nghi do vi rút.