Khẩn trương chống cúm
Thực hiện Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngày 13/02/2017, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tổ chức họp khẩn cùng đại diện các Vụ, Cục liên quan, Sở Y tế Hà Nội và một số BV trực thuộc Bộ tại Hà Nội và BV thuộc TP. Hà Nội để nghe báo cáo về tình hình chuẩn bị và công tác khám, chữa bệnh nói chung và công tác điều trị cúm mùa trong và sau dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Hiện nay bệnh dịch cúm mùa trong nước, khu vực và thế giới có chiều hướng gia tăng, không loại trừ túyp cúm có độc lực cao ở một số nước có thể xâm nhập vào Việt Nam theo con đường du lịch nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Cũng trong ngày 13/2, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các tỉnh thành yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát lại công tác chỉ đạo hoặc triển khai kế hoạch và kiểm tra giám sát việc thực hiện thường trực trong dịp Tết đối với các sở khám, chữa bệnh để sẵn sàng cấp cứu, điều trị, chăm sóc người bệnh, chú ý về các bệnh thường gặp trong dịp Tết như tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm… đối với các bệnh dịch chú ý dịch cúm như tình hình đã nêu trên. Trong đó, đối với bệnh dịch cúm cần lưu ý tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc cúm ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu.
Chăm sóc điều trị cho trẻ mắc bệnh cúm tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN).
Phân công việc tiếp đón, sàng lọc người bệnh ngay tại nơi tiếp đón, phát hiện những trường hợp mắc cúm để hướng dẫn ngay vào buồng khám bệnh truyền nhiễm. Xây dựng quy trình, sơ đồ tiếp nhận, phân loại, tiếp nhận người bệnh mắc cúm, đặc biệt chú ý ở các đối tượng người già, trẻ em, người có bệnh mạn tính.v.v…
Chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện, vật tư tiêu hao cần thiết để điều trị bệnh cúm. Nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường không khí khi tiếp xúc với người bệnh và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà cùng thực hiện.
Phối hợp với Y tế dự phòng địa phương để tổ chức việc truyền thông phòng và điều trị bệnh cúm. Chú ý việc việc sử dung thuốc oseltamivir đúng chỉ định, đúng hướng dẫn theo Quyết định sô 2078/QĐ-BYT ngày 23/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế, tránh việc lạm dụng thuốc kháng virut trong kê đơn thuốc ngoại trú điều trị nội trú. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh biết cách chăm sóc bệnh cúm nhẹ tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế tuyến xã, phường.
Cúm diễn biến nặng gây viêm phổi nghiêm trọng
Tại cuộc họp khẩn phòng chống dịch cúm, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc cúm đang gia tăng. Thống kê trong tháng 1 Hà Nội ghi nhận hơn 1.000 ca mắc cúm. Các ca mắc cúm chủ yếu là cúm mùa, chưa phát hiện chủng cúm độc lực cao.
Tại BV Bạch Mai, TS.BS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm cho biết, các ca mắc cúm đang tăng lên. Thời điểm này, khoa đã phải bố trí một khu vực riêng dành cho bệnh nhân cúm, với khoảng 10 ca mắc cúm trong mấy ngày qua. Trong đó, có một ca diễn biến nặng gây viêm phổi nghiêm trọng phải chuyển lên hồi sức tích cực và hiện đã hồi phục.
Tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ tháng 12/2017 đến nay đã có 830 trường hợp mắc cúm đến khám, gần 390 người phải nhập viện.
Tại BVĐK Đống Đa, các ca cúm đến khám cũng rất nhiều. ThS.BS Phạm Bá Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện cho biết, mỗi ngày có khoảng hơn 10 ca mắc cúm đến viện khám. Trước các ca mắc cúm đang có dấu hiệu gia tăng, bệnh viện bố trí riêng tầng 3 của khoa truyền nhiễm với 15 giường điều trị bệnh nhân cúm. Hiện bệnh viện đã triển khai test chẩn đoán sàng lọc cúm.
Các bác sĩ cho biết, thông thường các ca cúm đến khám đều được hướng dẫn cách ly, điều trị triệu chứng tại nhà, nâng cao thể trạng. Những trường hợp nhập viện thường là bệnh nhân cúm thuộc nhóm nguy cơ cao như trẻ em, người nhà, người mắc các bệnh mạn tính, bệnh nhân cúm bị biến chứng viêm phổi.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các BV Nhi Trung ương, BV Bạch Mai, BVĐK Đống Đa, BV Thanh Nhàn, BV Nam Thăng Long... có kế hoạch thường trực cấp cứu, đón tiếp, phân luồng, cách ly bệnh nhân, chuẩn bị đủ vật tư, giảm thấp nhất biến chứng đặc biệt tử vong; đảm bảo không lây chéo. Đồng thời rà soát lại số thuốc Tamiflu các bệnh viện hiện còn. Thuốc Tamiflu được chỉ định dùng điều trị cúm cho trẻ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.
Chỉ dùng Tamiflu khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao
Trước lo lắng của người dân về tình trạng thiếu thuốc Tamiflu để điều trị cúm, Cục Quản lý Dược khẳng định qua đánh giá sơ bộ từ số lượng nhập khẩu, hiện khả năng cung ứng thuốc Tamiflu là đủ để cung ứng cho nhu cầu sử dụng thuốc trong bối cảnh hiện tại ở nước ta.
Cũng tại cuộc họp lần này, đại diện một số BV cho biết không thiếu thuốc Tamiflu điều trị cúm. Hiện, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết tại viện còn hơn 6.000 viên Tamiflu, ngoài ra, kho dự trữ thuốc Tamiflu có 35.000 viên, đã cho một số cơ sở y tế vay. Tại BVĐK Xanh Pôn hiện có 200 viên.
Riêng tại BV Bạch Mai hiện có 12 máy ECMO (trao đổi ôxy qua màng ngoài cơ thể) chuẩn bị sẵn sàng và hơn 1.200 viên thuốc Tamiflu để dùng trong những trường hợp cần thiết.
Nói về việc sử dụng thuốc Tamiflu, TS.BS Đỗ Duy Cường cho rằng, việc điều trị cúm chủ yếu là điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng. Bộ Y tế VN cũng như các hướng dẫn của WHO và CDC đều khuyến cáo điều trị thuốc kháng virus Tamiflu được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao.
"Cần tỉnh táo xem lại việc chỉ định điều trị cúm, không nên cứ xét nghiệm test nhanh cúm (hoặc có triệu chứng cúm) là kê đơn cho Tamiflu, nhất là đối tượng trẻ em. Điều này có thể gây hậu quả virus kháng thuốc, ngoài ra còn làm cho thị trường đẩy giá thuốc Tamiflu lên cao, gây tâm lý hoang mang lo ngại không cần thiết, ảnh hưởng đời sống của người dân!"- TS. Cường nói.
ThS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khuyến cáo các bác sĩ không nên chỉ định sử dụng rộng rãi Tamiflu, tránh kháng thuốc và tránh tạo nên "cơn sốt giả" về loại thuốc này; các bệnh viện cũng cần giám sát chặt chẽ các bác sĩ trong việc kê đơn Tamiflu.
Theo quy định, thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe. Do đó, khi có triệu chứng nghi là bệnh cúm hoặc nghi ngờ tiếp xúc với bệnh nhân bị cúm, người dân nên đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả.
1. Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
2. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
3. Tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm.
5. Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.
6. Khi có triệu chứng ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Với bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H7N9), người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc.
3. Đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
4. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y, trạm y tế xã, phường.
5. Khi có biểu hiện như: sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm, phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.