Ngày 8/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua (từ 1-7 đến 7-7), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 178 trường hợp mắc sốt xuất huyết ( SXH) tại 77 xã, phường của 23 quận, huyện.
Như vậy, đây là tuần thứ tư liên tiếp số ca mắc SXH ở Hà Nội có xu hướng tăng. Cụ thể, ở tuần 25 (từ 17 đến 23/6) toàn thành phố ghi nhận 110 ca mắc, ở tuần 26 (từ 24 đến 30/6) ghi nhận 162 ca, tăng 52 ca, và đến tuần này số mắc tiếp tục tăng 16 ca...
Tính cộng dồn từ đầu năm 2019 đến nay, toàn thành phố có 998 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue và không có tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận huyện, 241/584 xã phường. Hiện tại còn 92 bệnh nhân đang điều trị (chiếm 9,2%).
Ngoài SXH vẫn đang diễn biến “nóng” thì các dịch bệnh truyền nhiễm “trái mùa” như sởi, rubella, tay chân miệng đều đang hạ nhiệt, nguyên nhân do thời tiết nắng nóng gay gắt vài tuần gần đây.
Cụ thể, trong tuần qua, toàn thành phố chỉ ghi nhận 9 bệnh nhân tay chân miệng; 31 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi/rubella (giảm 21 trường hợp so với tuần trước đó; ngoài ra trong tuần cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc ho gà tại Hà Đông và Hoàng Mai…
Phun thuốc diệt muỗi tại để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Trước diễn biến của dịch bệnh, trong tuần qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội đã tiến hành giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh SXH tại 19 điểm; giám sát côn trùng trọng điểm tại 7 điểm thuộc vùng sinh thái nông thôn. Qua giám sát phát hiện nhiều ổ bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước như bể hở, xô, chậu, chậu cảnh, phế liệu…
Cùng đó, đã tổ chức 94 chiến dịch phun hóa chất chủ động phòng chống SXH tại 13 quận, huyện. Tổng số lượt hộ được phun là 125.466/145.172 hộ được khoanh vùng trong khu vực nguy cơ, đạt 86%.
Sở Y tế Hà Nội nhận định, tình hình thời tiết trong tuần 28 (tuần này) dự báo nhiệt độ duy trì ở mức 26 đến 37 độ C, có nhiều ngày mưa, đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh SXH Dengue, và thực tế kết quả giám sát véc tơ các tuần gần đây đều có xu hướng tăng cao.
Do vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát phát hiện bệnh nhân, giám sát tác nhân gây bệnh, giám sát véc tơ và côn trùng truyền bệnh, giám sát vệ sinh môi trường và các yếu tố gây dịch, giám sát công tác xử lý ổ dịch tại các đơn vị quận, huyện, thị xã.
Triệu chứng và các biện pháp phòng sốt xuất huyết.
Theo các bác sĩ, người mắc bệnh SXH thường có biểu hiện sốt cao đột ngột 39 - 40oC, tình trạng sốt kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Bệnh nhân sẽ đối mặt với tình trạng đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn, phát ban ngoài da. Ở thể bệnh nặng bệnh nhân sẽ bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen do bị xuất huyết nội tạng, đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng…
Để tránh biến chứng nguy hiểm do SXH gây ra, khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh phải nhanh chóng đến BV để được khám, điều trị. Gia đình có người mắc bệnh cần thông báo cho trạm y tế địa phương để có giải pháp khoanh vùng, xử lý không để bệnh lây lan trên diện rộng.
Về biện pháp phòng bệnh, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thực hiện diệt lăng quăng ngay tại chính nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, cơ quan, đơn vị. Điều đáng lo ngại, một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch, nhất là chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ bọ gậy.