Tuần qua trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 265 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 29 quận, huyện (tăng 31 ca so với tuần trước đó). Vì vậy, việc phòng ngừa và phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
1. Sốt xuất huyết có thể lây lan nhanh, khó kiểm soát
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, ở Việt Nam bệnh lưu hành rất phổ biến, xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa bão, nhất là vào thời điểm từ tháng 7 đến tháng 10.
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi Dengue di truyền, muỗi vằn hút máu người mắc bệnh mang đến cho người lành, đây là nguyên nhân phổ biến và dễ tạo thành dịch nhất.
Bệnh có thể lây lan nhanh, khó kiểm soát, nhất là từ những người bệnh đi từ vùng có dịch về. Chính vì thế, cần phải chủ động phòng chống để tránh mọi hậu quả có thể xảy ra.
Bệnh sốt xuất huyết ở thể nhẹ thì người bệnh sẽ bị sốt cao từ 39 đến 40 độ C, kéo dài 2 đến 7 ngày, khó hạ sốt, đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, cơ thể có thể nổi mẩn, phát ban.
Bệnh ở thể nặng thì có thêm các dấu hiệu như chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Người bệnh sốt xuất huyết thường trải qua giai đoạn bệnh nguy hiểm từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Những dấu hiệu bị bệnh nặng sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp bị kẹt với hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg, huyết áp bị tụt hoặc không đo được, lượng nước tiểu ít.
Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng. Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không bị sốc, vì vậy trên thực tế lâm sàng cần cảnh giác.
2. Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết xảy ra quanh năm, người dân không nên chủ quan lơ là, nếu không phát hiện sớm, không điều trị kịp thời có thể sẽ dẫn đến biến chứng nặng và tỷ lệ tử vong cao. Do đó, cách tốt nhất để phòng ngừa sốt xuất huyết là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy ở nơi công cộng, nơi có nhiều bụi rậm, cây cối, rãnh nước và ngay tại gia đình.
- Hạn chế muỗi sinh trưởng
Muỗi vằn đều có xu hướng đẻ trứng ở các khu vực đọng nước, ẩm thấp. Vì vậy, mỗi gia đình nên dành thời gian vệ sinh nhà cửa, sân vườn và các đồ dùng. Bên cạnh đó, nên chú ý:
Thay nước bình cắm hoa thường xuyên, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không sinh sản. Thoát nước đúng định kỳ. Nên úp ngược chậu hoa, bể cá không dùng đến.
Thay nước trong chuồng chim liên tục. Không để quá nhiều thùng rỗng, hộp xốp trong nhà. Thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải trong và xung quanh nhà như chai lọ, mảnh lu vỡ, vỏ dừa… Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân tủ.
- Phòng ngừa muỗi đốt
Một trong những đặc tính của loài muỗi là muỗi cái thường hút máu người, động vật để nuôi trứng. Khác với các loại muỗi thông thường, muỗi vằn cái chỉ hoạt động mạnh vào thời điểm sáng sớm và chiều tối (trước khi mặt trời lặn).
Để phòng tránh bị muỗi đốt nên thường xuyên sử dụng kem xua muỗi, vợt điện muỗi, thuốc chống côn trùng để đuổi muỗi. Mặc quần áo dài tay cả kể khi đi ngủ. Ngủ trong màn kể cả ban ngày. Không chơi đùa ở những nơi ẩm thấp. Dùng rèm che hoặc màn có tẩm hóa chất diệt muỗi.
Nếu gia đình đang có người bệnh sốt xuất huyết thì cần cách ly và cho người bệnh ngủ trong màn để tránh bị muỗi đốt và truyền bệnh.