Mới đây, hàng trăm chủ quán karaoke ở Hà Nội cùng ký vào đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở kinh doanh ngành nghề này sau khi bị tạm dừng hoạt động.
Tại đơn kiến nghị tập thể, các chủ quán, chủ đầu tư ngành nghề này cho rằng, trong nhiều năm qua do ảnh hưởng dịch COVID-19 cũng như chấp hành kiểm tra về an toàn PCCC&CNCH nên đã phải thường xuyên hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dịch vụ; công ăn việc làm của hàng nghìn người bị ảnh hưởng; nhiều cơ sở có nguy cơ phá sản…
Chia sẻ về những khó khăn mà các quán karaoke đang gặp phải, ông Nguyễn Đăng Sỹ (Chủ một quán karaoke trên đường Nguyễn Khang – Cầu Giấy) cho biết, sau các vụ hỏa hoạn lớn, gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong thời gian vừa qua, các cơ sở kinh doanh đã ý thức hơn đối với PCCC cũng như thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Chủ quán karaoke này cho hay, sau đợt kiểm tra về PCCC năm 2022 thì nhiều cơ sở kinh doanh karaoke bị dừng hoạt động, tạm đình chỉ.
Phân tích thêm những thiệt hại về kinh tế do bị đình chỉ, tạm dừng hoạt động, ông Nguyễn Đăng Sỹ cho biết: "Tại Hà Nội, đa số quán karaoke đều đầu tư trang trí, âm thanh, ánh sáng, loa đài hết từ 300 – 500 triệu đồng/1 phòng. Với hàng nghìn phòng hát trên địa bàn với tổng chi phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng giờ bị đình chỉ, dừng hoạt động".
Ông Sỹ cho rằng, dịch COVID-19 đã bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề, nhưng sau khi dịch được kiểm soạt thì được hoạt động lại chưa được nửa năm thì lại bị đình chỉ, dừng hoạt động đã khiến các chủ quán karaoke kiệt quệ kinh tế, hàng nghìn lao động phổ thông đang hoạt động trong lĩnh vực này bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, bà Tạ Thị Hà (chủ quán karaoke đóng trên địa bàn phường Mỗ Lao – Hà Đông) bày tỏ, quán được đầu tư hơn 20 tỷ đồng với quy mô 12 phòng hát. Thời gian qua, cá nhân bà bị ảnh hưởng nặng bởi mỗi tháng phải bỏ ra 500 triệu đồng duy trì dù quán phải tạm dừng hoạt động.
Bà Hà ngậm ngùi nói thêm, hiện rất nhiều quán đã phải đóng cửa gần nửa năm, kinh tế bắt đầu kiệt quệ vì phải gồng gánh tiền thuê nhà, tiền vay lãi ngân hàng trong thời gian dài. Tết Nguyên đán vừa qua những hộ kinh doanh karaoke không nhà nào ăn Tết ngon, có quán đã ngậm ngùi tuyên bố phá sản.
Qua đó, bà Hà cũng đưa ra kiến nghị, thành phố giao trách nhiệm cho từng quận huyện, từng quận huyện giao trách niệm từng quán, khi hoạt động bị hoả hoạn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với Nhà nước.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hồng Thủy (cổ đông một quán karaoke trên đường Trung Hòa – Cầu Giấy) cho rằng, trong 5 tháng bị dừng hoạt động, các cơ sở rất khó khăn, chi phí tiền thuê nhà, chi phí khác đã phải vay mượn, cầm cố tài sản… Có cơ sở sợ bị phạt, thu hồi giấy phép nghiêm túc đóng cửa dừng hoạt động, nhưng có cơ sở quá khó khăn có hoạt động kinh doanh chui như thế sẽ thiếu an toàn hơn.
Các quán karaoke sớm được hoạt động trở lại?
Liên quan đến việc này, ngày 16/2, Đại tá Dương Đức Hải (Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội) đã chủ trì cuộc họp đánh giá thực trạng công tác PCCC và bàn các giải pháp, biện pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan công tác PCCC của các cơ sở kinh doanh Karaoke trên địa bàn.
Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị tích cực lắng nghe ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp; rà soát, đánh giá thực trạng, đề xuất cấp có thẩm quyền về những giải pháp cụ thể để các doanh nghiệp có thể tháo gỡ, khắc phục được những tồn tại vi phạm về PCCC, đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục để được đưa công trình vào hoạt động trở lại trong thời gian sớm nhất.