Hà Nội đưa chỉ số ô nhiễm không khí về ngưỡng an toàn trong 5 năm tới bằng cách nào?

04-04-2025 14:32 | Xã hội
google news

SKĐS - Hàng loạt các biện pháp sẽ được Hà Nội triển khai trong thời gian tới để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí như xiết chặt khí thải xe máy, ô tô, cưỡng chế cơ sở gây ô nhiễm, chuyển đổi sang xe điện, cấm hoàn toàn than tổ ong...

Sáng nay Hà Nội tái diễn ô nhiễm không khí nghiêm trọngSáng nay Hà Nội tái diễn ô nhiễm không khí nghiêm trọng

SKĐS - Từ sáng nay (21/3), chất lượng không khí Hà Nội tiếp tục có xu thế xấu đi với các điểm đo lên ngưỡng xấu (có hại cho sức khỏe mọi người) và ngưỡng rất xấu (rất có hại cho sức khỏe tất cả mọi người).

5 năm tới chất lượng không khí Hà Nội phải ở ngưỡng an toàn

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm môi trường không khí tại các thành phố lớn.

Theo thông báo này, ô nhiễm không khí tại nhiều địa phương trên toàn quốc tiếp tục có chiều hướng gia tăng cả về quy mô lẫn mức độ, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, cuộc sống và sức khỏe người dân.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung triển khai các giải pháp cụ thể, trách nhiệm rõ ràng và lộ trình cải thiện tình hình trong thời gian sớm nhất.

Hà Nội đưa chỉ số ô nhiễm không khí về ngưỡng an toàn trong 5 năm tới bằng cách nào?- Ảnh 2.

Hà Nội sẽ xiết chặt kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông để kiểm soát ô nhiễm không khí.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội, UBND TPHCM khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm để trong 5 năm tới đạt mục tiêu chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở ngưỡng an toàn với sức khỏe con người.

Về các giải pháp cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội và TPHCM thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động thu gom, tái chế chất thải rắn xây dựng; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng; ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các tiêu chuẩn về khí thải tại địa phương mình theo hướng cao hơn, chặt hơn so với tiêu chuẩn quốc gia; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu, cũ, nát không đủ tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường…

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành các cụm công nghiệp, các làng nghề, cơ sở gây ô nhiễm cao tại TP Hà Nội, TPHCM và một số địa phương khác trên cả nước; hoàn thành trong tháng 7 năm 2025.

Theo TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam), số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở ngưỡng tốt trong năm chỉ chiếm 15%; số ngày trung bình là 50%; số ngày kém, xấu, rất xấu, thậm chí nguy hại chiếm 35%. Riêng 4 tháng cao điểm mùa ô nhiễm năm nay (từ tháng 11-2024 đến tháng 3-2025), chỉ số AQI ở mức kém chiếm 48,91%; mức xấu, rất xấu lên tới 44,37%, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.

Căn nguyên chính gây ô nhiễm không khí tại Thủ đô là từ khí thải của phương tiện giao thông và bụi đường chiếm 56,1%; hoạt động sản xuất công nghiệp - làng nghề chiếm 22,2%; sản xuất nông nghiệp 13,2%; nguồn dân sinh 8,2% và đốt rác thải là 2,2%.

Phải xóa sổ than tổ ong, đốt rơm rạ, loại bỏ xe cũ...

Trưởng phòng Quản lý môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Trọng Nhất cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều chính sách và đề án bảo vệ môi trường. Đến nay, Hà Nội đã xóa bỏ 99% số bếp than tổ ong, giảm 80% tình trạng đốt rơm rạ ở ngoại thành. Tỷ lệ thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt hơn 99% tại khu vực đô thị và 95% tại vùng ngoại thành. Đối với giao thông, thành phố triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4,5; chuyển đổi một số tuyến xe buýt sang chạy điện; vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị; triển khai thí điểm vùng phát thải thấp các quận nội đô…

Tuy nhiên, theo TS Hoàng Dương Tùng, những giải pháp thành phố Hà Nội đã triển khai vẫn chưa đủ quyết liệt và triệt để nên ô nhiễm không khí vẫn là vấn đề "nóng". Chỉ khi nào thành phố Hà Nội kiểm soát được các nguồn phát thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, thì tình trạng ô nhiễm không khí mới được cải thiện.

TS Hoàng Dương Tùng đề xuất, trong giai đoạn 2025-2030, thành phố Hà Nội và các địa phương cần tăng cường chuyển đổi số để chuyển đổi xanh. Đặc biệt, các địa phương cần đưa chỉ tiêu chất lượng không khí vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 5 năm tới dành nguồn lực tài chính cho các chương trình trọng điểm về giảm thiểu ô nhiễm, như: Phát triển giao thông xanh, sử dụng nhiên liệu sạch; ưu tiên xây dựng hạ tầng số như cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin các nguồn phát thải, sử dụng công cụ IOT trong việc quan trắc, giám sát ô nhiễm, tăng cường áp dụng AI, Big data trong quản lý môi trường không khí...

Trong lĩnh vực giao thông, thành phố Hà Nội cần thực hiện kiểm tra khí thải xe máy, ô tô cũ lưu thông trong khu vực nội thành. Trong năm 2025 triển khai thí điểm ngay vùng phát thải thấp tại các khu vực quy hoạch trung tâm thành phố, tiến tới mở rộng vùng phát thải ra cả ngoại thành. Đến năm 2030, chuyển đổi toàn bộ xe buýt chạy xăng, dầu sang xe điện và có lộ trình loại bỏ xe chạy động cơ đốt trong lưu thông ở nội đô vào năm 2035.

Ngoài ra, một số chuyên gia về môi trường còn đề xuất một số giải pháp cho thành phố Hà Nội, như: Tăng cường biện pháp cưỡng chế đối với cơ sở gây ô nhiễm, bổ sung hình phạt các cơ sở gây ô nhiễm lũy tiến theo ngày để tăng tính răn đe, thắt chặt hơn nữa các quy chuẩn phát thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô; tính toán lượng thải và xác định nguồn thải lớn để có biện pháp quản lý phù hợp; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường kiểm soát phát thải đối với các cơ sở sản xuất lớn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dự Hội nghị bàn tròn cấp cao về ô nhiễm không khí và tác động sức khỏe tại ColombiaThứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dự Hội nghị bàn tròn cấp cao về ô nhiễm không khí và tác động sức khỏe tại Colombia

SKĐS - PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế và các thành viên Đoàn Việt Nam (đến từ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tham dự Hội nghị bàn tròn cấp cao về ô nhiễm không khí và tác động sức khỏe tại thành phố Catargena, Colombia.


Tô Hội
Ý kiến của bạn