Theo Dự thảo Nghị quyết về học phí năm học 2023-2024 của Hà Nội vừa công bố, học phí với học sinh vùng thành thị là 300.000 đồng/tháng, vùng nông thôn 100.000-200.000 đồng, vùng dân tộc thiểu số 50.000-100.000 đồng.
Năm 2022, Hà Nội quyết định tăng học phí theo Nghị định 81, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch COVID-19, thành phố Hà Nội đã chi hơn 1.100 tỷ đồng để cấp bù phần chênh lệch tăng so với năm 2021 và hỗ trợ 50% học phí. Do đó, số tiền thực đóng của phụ huynh năm học 2022-2023 không tăng so với trước.
Trong năm học tới, với việc Hà Nội dự kiến giữ khung học phí và không tiếp tục chính sách hỗ trợ (trừ bậc tiểu học), phụ huynh có thể sẽ phải đóng nhiều tiền hơn.
Cụ thể, ở nội thành, học sinh mầm non và THCS phải đóng học phí gần gấp đôi, từ 155.000 đồng lên 300.000 đồng một tháng. Ở xã miền núi, học sinh THPT đóng 100.000 đồng một tháng, tăng hơn bốn lần so với mức cũ; bậc mầm non, THCS có mức đóng tăng khoảng hai lần, từ 19.000-24.000 đồng lên 50.000-100.000 đồng.
Nếu học trực tuyến, các trường thu 75% mức học phí theo mức đã ban hành. Nếu học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức học nào trên 14 ngày thì thu học phí theo hình thức đó.
Ngoài ra, Hà Nội cũng dự thảo về mức trần học phí với các trường công lập chất lượng cao, không thay đổi so với năm ngoái (đơn giá: triệu đồng/tháng).
Dựa vào mức trần và điều kiện của trường, của địa phương, các trường tự xây dựng mức học phí cụ thể. Hiện, Hà Nội có khoảng 20 trường chất lượng cao từ mầm non tới phổ thông. Những trường này có quy định riêng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sĩ số lớp 30-35 học sinh và phải tự đảm bảo chi thường xuyên (tiền lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...).
Hà Nội sẽ lấy ý kiến dự thảo nghị quyết về học phí năm học 2023 - 2024 từ ngày 15/5, dự kiến trình Hội đồng nhân dân thành phố vào tháng 7 tới.
Tại cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa cho năm học mới, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn trình Chính phủ trước 30/5/2023 để địa phương và các cơ sở giáo dục, đào tạo có căn cứ quyết định thời điểm, mức thu học phí năm học 2023 - 2024, trong đó cần đánh giá một cách căn cơ, tổng thể, toàn diện để đề xuất chính sách, lộ trình thu học phí đối giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phù hợp với khả năng chi trả của người dân.
Đồng thời, có các cơ chế hỗ trợ đối với các đối tượng chính sách, người nghèo, yếu thế, địa bàn khó khăn để đảm bảo thực hiện chủ trương nhân văn, ưu việt của Đảng, Nhà nước trong phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
Tiếp tục thúc đẩy xã hội hoá giáo dục, tự chủ đối với những cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở địa bàn có điều kiện thuận lợi; tập trung ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục tại khu vực khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, hải đảo; cấp bù cho phần học phí tăng thêm của mầm non, giáo dục phổ thông công lập đối với cho các nhóm đối tượng chính sách, khó khăn, yếu thế; bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập cho đội ngũ giáo viên tại các khu vực này.
Đối với học phí giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nghiên cứu lộ trình thích hợp, sớm áp dụng chính sách học phí theo hướng tính đúng, tính đủ để thúc đẩy, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp.
Đồng thời, triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp (học bổng, miễn, giảm học phí), bố trí kinh phí từ các chương trình mục tiêu; triển khai chương trình tín dụng ưu đãi cho sinh viên; cơ chế đặt hàng nhân lực của các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp… để không làm giảm cơ hội vào đại học, nhất là đại học chất lượng cao đối với các đối tượng chính sách, học sinh nghèo học giỏi, người yếu thế....