Theo đề xuất, năm học 2019-2020, mức thu học phí đối với trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh cấp trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và hai trường Trung cấp là Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội vẫn giữ nguyên như năm học 2018-2019.
Với hai trường trung cấp, mức thu từ 800.000đ/tháng/học sinh đến 1.540.000đ/tháng/học sinh tùy từng nhóm ngành học.
Mức thu của các cấp học còn lại, bao gồm mầm non (dưới 5 tuổi), trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông sẽ được điều chỉnh tăng. Mức tăng đề xuất cụ thể như sau: Những học sinh thuộc các cấp học nói trên nếu theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị đóng 220.000 đồng/tháng/học sinh; ở địa bàn nông thôn đóng 95.000 đồng/tháng/học sinh; ở các xã miền núi đóng 24.000 đồng/tháng/học sinh.
So với năm học 2018-2019, mức học phí tăng nhiều nhất là ở đối tượng học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị, với mức tăng 41,9%. Mức tăng học phí của học sinh ở địa bàn nông thôn là 26,7%; mức tăng học phí của học sinh ở các xã miền núi là 26,3%.
Đối với số tăng thu học phí (chênh lệch giữa mức thu học phí đề xuất năm học 2019-2020 với mức thu học phí năm học 2018-2019), liên sở cho biết một phần để thực hiện cải cách tiền lương theo quy định, phần còn lại để chi sự nghiệp giáo dục hàng năm.
Tỷ lệ giữa mức thu học phí đề xuất với thu nhập bình quân 01 nhân khẩu 01 tháng khoảng 3,82% với khu vực thành thị; 2,59% với khu vực nông thôn. Với thu nhập hiện nay, việc tăng học phí năm học 2019-2020 làm tăng khả năng chi trả việc học khoảng 1,13% so với thu nhập bình quân 01 nhân khẩu 01 tháng với khu vực thành thị; 0,55% với khu vực nông thôn.
Theo Nghị quyết của HĐND TP.Hà Nội, học phí sẽ được điều chỉnh tăng dần trong khung quy định, cho đến năm học 2020-2021 mức thu học phí sẽ bằng mức cao nhất trong khung theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định số 86/2015/NĐ-CP đối với vùng thành thị, nông thôn và bằng 50% đối mức cao nhất trong khung quy định đối với vùng miền núi.