Như đã thông tin về việc Hà Nội dự định thu phí vào nội đô, mới đây, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Tramoc) vừa báo cáo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kết quả nghiên cứu thực hiện đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào".
Theo đó, việc thu phí sẽ được thực hiện bên trong đường Vành đai 3, thành phố dự định lập 68 vị trí với 87 cổng thu phí. Vị trí Hà Nội dự định đặt các cổng thu phí vào nội đô được nhiều người dân quan tâm.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội và đơn vị tư vấn thuộc Đại học Giao thông Vận tải cho biết, việc lắp đặt trạm thu phí ô tô vào nội đô sẽ được thí điểm áp dụng theo từng bước, từng giai đoạn.
"Trong đó, giai đoạn thí điểm thu phí sẽ đảm bảo yêu cầu thí điểm theo khu vực hẹp. Giai đoạn 2 mở rộng diện tích thu phí ra khu vực bờ Nam sông Hồng. Đến giai đoạn 3 mở rộng khu vực thu phí sang bờ Bắc sông Hồng", Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho hay.
Giai đoạn 1 thực hiện thí điểm thu phí theo điểm (theo vị trí) nhằm giảm lưu lượng xe ô tô từ xa, từ đó giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên một số trục chính. Cụ thể, bố trí các cổng thu phí nằm trên một số trục chính hướng vào nội đô có lưu lượng giao thông cao có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vị trí các cổng thu phí nằm ngoài vành đai 3.
Các vị trí thu phí theo điểm bố trí gồm: Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Ngô Gia Tự, QL1A trên các trục giao thông như Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương.... Tổng cộng giai đoạn 1 dự kiến xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí, giai đoạn thí điểm từ năm 2024-2025.
Đến 30/11/2025, sẽ báo cáo tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn thí điểm làm cơ sở triển khai giai đoạn 2 và 3.
Sang giai đoạn 2 (từ năm 2026 - 2030), Hà Nội sẽ mở rộng vùng thu phí ô tô đến phía bờ Nam sông Hồng, dự kiến xây dựng 59 cổng thu phí tại 46 vị trí. Cụ thể, khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - Cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Sau năm 2031, TP Hà Nội sẽ thực hiện giai đoạn 3, mở rộng vùng thu phí sang phía bờ Bắc sông Hồng, dự kiến xây dựng 13 cổng thu phí tại 13 vị trí. Khu vực thu phí mở rộng có ranh giới giới hạn bởi các đường Nguyễn Văn Linh - Trường Sa - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - Cầu Thăng Long - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Vành đai 3.
Như vậy, sau giai đoạn 3, dự kiến có 68 vị trí với 87 cổng thu phí vào nội đô Hà Nội. Vị trí các cổng thu phí đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí (bố trí trên các đường hướng tâm từ bên ngoài vào trung tâm thành phố) để các phương tiện quá cảnh lưu thông trên vành đai không phải trả phí. Các vị trí và số lượng đặt cổng thu phí mới là khảo sát sơ bộ. Cụ thể từng vị trí và số lượng cổng sẽ được xác định đầy đủ trong bước lập dự án đầu tư xây dựng.
Trước đó, ngày 18/10, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố (Tramoc) báo cáo kết quả khảo sát ý kiến người dân về đề án thu phí ô tô vào nội đô và đề xuất thí điểm từ năm 2024 (có 39,7% số người ủng hộ việc thu phí; 33,2% số người ủng hộ với điều kiện kèm theo; 27,1% không ủng hộ).
Tuy nhiên, đề xuất này gặp phải phản biện của nhiều chuyên gia khi cho rằng việc thu phí ô tô vào nội đô khó có thể giải quyết được ùn tắc và ô nhiễm, nhất là khi hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dân.
Hà Nội hiện có 7.671.551 phương tiện (trong đó: 1.034.510 ô tô, 6.458.009 mô tô, 179.032 xe máy điện). Ngoài ra, nhiều phương tiện mang biển ngoại giao, biển quốc tế, biển số xe của các cơ quan Trung ương do Bộ Công an quản lý, xe quân đội, xe tỉnh ngoài, xe đạp... hoạt động trên địa bàn thành phố.