Sở Xây dựng Hà Nội đang triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố đã được UBND thành phố thông qua. Cụ thể, sẽ có 6.700 cây xanh trên tổng số gần 30.000 cây xanh tại 10 quận nội thành của Hà Nội bị đốn hạ, thay thế từ tháng 3/2015.
Trong những ngày gần đây, việc triển khai chặt hạn nhiều cây xanh trên các tuyến phố đang tạo ra dư luận trái chiều trong nhân dân thủ đô Hà Nội. Để rộng đường dư luận, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Luật sư Trần Vũ Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải về vấn đề này.
PV: Là một người dân Hà Nội, ông có quan tâm đến việc triển khai đốn hạ hàng loạt cây xanh trong những ngày qua?
Luật sư Trần Vũ Hải: Tôi nghĩ rằng đã có ý kiến của nhân dân, của cử tri, cụ thể là ông Trần Đăng Tuấn đã gửi thư ngỏ cho Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, ở trong thư ông Tuấn đề nghị nên tạm dừng việc hạ chặt cây một thời gian để thông tin thêm cho người dân biết. Đặc biệt, về việc những cây nào được trồng ở đâu để người dân kiểm tra xem việc đốn hạ, thay thế 6.700 cây như vậy có hợp lý hay không.
Tôi nghĩ theo luật, đây là một kiến nghị của cử tri và Thành phố Hà Nội phải có trách nhiệm trả lời. Theo thông tin trên báo chí thì thành phố đang trả lời. Cần phải trả lời cấp tốc những nội dung mà cử tri, nhà báo Trần Đăng Tuấn băn khoăn.
Theo tôi, người trả lời phải là Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Số lượng 6.700 cây chiếm gần 1/5-1/6 lượng cây xanh ở nội đô nên UBND TP cần sớm công bố công khai, thậm chí họp báo riêng về chủ đề này càng sớm càng tốt. Trong đó, nên mời một số nhà nghiên cứu, những người quan tâm như các chuyên gia về môi trường, các nhà báo… tham dự để tranh luận, chất vấn xem rằng việc đó có hợp tình hợp lý không, hay nên thay bằng một hình thức khác, hay phải thận trọng hơn.
Riêng việc chặt cây, nếu đã chặt rồi thì không thể lấy lại được, dù có trồng cây mới hay không thì cũng phải có quá trình. Ngay cả vấn đề trồng cây mới cũng phải xem cây ấy là loại cây gì, nguồn gốc như thế nào, có lợi hay không cho người dân thủ đô…
Chúng tôi tuy không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này nhưng với tư cách là người dân, là luật sư có am hiểu về môi trường, về cây xanh sẽ rà soát xem điều đó có phù hợp với pháp luật hay không? Còn những chuyên gia về môi trường, về cây xanh sẽ giúp cho nhân dân và cả chính quyền về những vấn đề như; cây này được chặt có hợp lý không, phải trồng thì trồng loại cây gì, nguyên tắc như thế nào để họ góp ý. Nếu mà việc sau đó rõ rồi thì nhân dân ủng hộ, còn nếu chưa rõ thì phải dừng ngay.
PV: Theo ông, việc trồng cây trước đây không đúng quy hoạch, không thuộc chủng loại cây đô thị để đến bây giờ phải đốn hạ hàng loạt, thì quy trách nhiệm này như thế nào?
Luật sư Trần Vũ Hải: Hà Nội thừa nhận trước đây trồng cây lung tung, nên giờ phải chặt hạ, thay thế. Cần phải xem xét rõ thực sự ngày trước có làm sai không, và bây giờ làm lại có đúng không?. Đó cũng là vấn đề cần trả lời.
Tôi cũng được biết chi tới 73 tỷ đồng để làm việc này, tương đương với 1 cây chi khoảng 10 triệu đồng, căn cứ vào đâu để tính toán số tiền đó. Đây là một số tiền lớn, cần phải dừng ngay để nghiên cứu thấu đáo trước khi triển khai đồng loạt.
Cũng phải xem trước đây 6.700 đó trồng vào những năm nào, nếu thời kỳ đó làm sai cũng phải kiểm điểm rút kinh nghiệm. Những người ra chủ trương này cũng phải lên tiếng phản biện về quyết định của mình.
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về việc đốn hạ, thay thế đồng loạt 6.700 cây mà không phải là thay thế dần dần?
Luật sư Trần Vũ Hải: Hà Nội nên tạm dừng ngay việc chặt cây và công bố những cây bị chặt ở đâu và họp báo chuyên đề về vấn đề này càng sớm càng tốt. Việc này phải để dân kiểm tra xem đúng thực sự có cần thiết phải chặt 6.700 cây không?
Nếu chứng minh được việc chặt hạ cây này là cần thiết, nhân dân được thuyết phục thì họ sẽ không phản đối. Còn việc triển khai đốn hạ như hiện nay, và việc trả lời quá vội vã như bên lề cuộc họp báo hôm qua thì dân chưa tin, chưa thuyết phục.
PV: Xin cảm ơn ông.