Hà Nội

Hà Nội: Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh tại 164 hộ, cơ sở chăn nuôi lợn

30-07-2019 09:57 | Thời sự
google news

SKĐS - Đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 28.532 hộ chăn nuôi (chiếm 35,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.312 thôn, tổ dân phố của 447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 496.553 con lợn (chiếm 26,5% tống đàn).

Ngành nông nghiệp tiếp tục gặp khó khăn khi dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế, lây lan trên diện rộng. Tính đến ngày 22/7/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.016 xã thuộc 558 huyện của 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo Tổng Cục Thống kê, giá một số nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng trở lại; mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang tăng từ ngày 1/7/2019; diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi; việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ là những yếu tố chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2019 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Tại Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 3 ngày (từ 26/7 đến 28/7), bệnh DTLCP đã phát sinh tại 71 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 16 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 1.968 con lợn.

Còn trong tuần (từ ngày 22/7 đến 28/7), bệnh DTLCP phát sinh mới tại 164 hộ, cơ sở chăn nuôi; làm mắc bệnh, tiêu hủy 3.696 con lợn.

Đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 28.532 hộ chăn nuôi (chiếm 35,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 2.312 thôn, tổ dân phố của 447 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 496.553 con lợn (chiếm 26,5% tống đàn). Tổng số lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy là 65.135 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố.

Theo đánh gia, nhìn chung, công tác phòng, chống bệnh DTLCP đã được Thành ủy, UBND thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp phòng, chống ngay từ khi có thông tin về dịch bệnh đến nay. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn tại hộ có dịch cơ bản được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch. UBND thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để phục vụ công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch.

Dịch tả lợn Châu Phi gây thiệt hại lớn cho người dân. Ảnh minh hoạ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã và sở, ngành liên quan: Tập trung hướng dẫn các địa phương thực hiện Văn bản số 5169/BNN-TY ngày 22/7/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn bổ sung một số biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Triển khai có hiệu quả 4 đợt tiêu độc, khử trùng đại trà trên địa bàn toàn thành phố, với tổng số hóa chất đã cấp, sử dụng là 216 tấn; ngoài ra ngân sách thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 226 tấn hóa chất và 7.595 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao. Chuẩn bị đẩy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan; duy trì trực 24/24h tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và an toàn thực phẩm phản ảnh qua đường dây nóng. Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến, biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, cả nước để kịp thời cung cấp thông tin nâng cao năng lực hệ thống ngành, hướng dẫn người chăn nuôi. Thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh với các tỉnh trên địa bàn cả nước, đặc biệt chú trọng 24 tỉnh phía Bắc đã ký cam kết cùng Hà Nội.

Tiếp tục lấy mẫu ngẫu nhiên để test nhanh với bệnh DTLCP tại các cơ sở giết mổ, nơi nguy cơ cao. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp chăn nuôi liên doanh, quốc doanh, hợp tác xã... có chăn nuôi lớn đã chủ động triển khai quyết liệt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn lợn, đặc biệt đối với các đàn lợn giống để sẵn sàng phục vụ cho việc khôi phục và phát triển chăn nuôi khi có điều kiện.


D.Hải
Ý kiến của bạn