Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong 3 ngày qua (từ ngày 20/9 đến 22/9), bệnh DTLCP đã phát sinh tại 208 hộ, cơ sở chăn nuôi thuộc 15 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh, tiêu hủy 1.979 con lợn với trọng lượng 121.192 kg. Còn trong tuần qua (từ ngày 16/9 đến 22/9) dịch bệnh tiếp tục phát sinh tại 575 hộ, cơ sở chăn nuôi, 16 thôn; làm mắc bệnh và tiêu hủy 5.799 con lợn với trọng lượng 391.644 kg.
Một số địa phương trong tuần phát sinh và tiêu hủy nhiều lợn như: Ba Vì tiêu hủy 2.508 con lợn, Ứng Hòa tiêu hủy 805 con lợn, Mê Linh tiêu hủy 743 con lợn, Mỹ Đức tiêu hủy 585 con lợn... So với tuần trước (từ ngày 9/9 đến 15/9), dịch bệnh phát sinh tăng hơn 53 hộ, cơ sở chăn nuôi; số lợn mắc bệnh và tiêu hủy tăng hơn 1.168 con.
Đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 30.948 hộ chăn nuôi (chiếm 38,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 1.352 thôn, tổ dân phố của 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 523.821 con (chiếm 27,9% tổng đàn) với trọng lượng 35.875 tấn. Tổng số lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy là 68.641 con, chiếm 13 % tổng số lợn phải tiêu hủy trên địa bàn thành phố.
Đến nay, trên địa bàn thành phố có 238 xã, phường (chiếm 53% tổng số xã, phường có dịch) và 5 quận (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai) dịch bệnh đã qua 30 ngày không phát sinh.
Nhiều hộ chăn nuôi thiệt hại nặng nề vì dịch tả lợn Châu Phi.
Sở NN-PTNT cho hay, các ổ dịch bệnh được giám sát, phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm; số lợn tại hộ có dịch cơ bản được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch. Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, ngành liên quan: Triển khai có hiệu quả 4 đợt tiêu độc, khử trùng đại trà trên địa bàn toàn thành phố, với tổng số hóa chất đã cấp, sử dụng là 216 tấn. Ngoài các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà, thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 262 tấn hóa chất và 8.638 tấn vôi bột để khử trùng, tiêu độc ổ dịch và nơi nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch bệnh sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh tới từng hộ, thôn, xóm, cụm dân cư đảm bảo phát hiện, báo cáo kịp thời, khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan. Duy trì trực 24/24h tiếp nhận thông tin về dịch bệnh và an toàn thực phẩm phản ánh qua đường dây nóng. Thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến, biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thế giới, cả nước để kịp thời cung cấp thông tin nâng cao năng lực hệ thống ngành, hướng dẫn người chăn nuôi.
Ngoài ra, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm bắt tình hình, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh; hướng dẫn triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác theo quy định.