Hà Nội

Hà Nội: Dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm 2018

14-08-2018 16:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận gần 30.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trên 37.000 trường hợp sốt xuất huyết, đặc biệt số mắc sởi tăng cao so với cùng kỳ của năm 2017 với gần 800 trường hợp mắc và đã ghi nhận 01 trường hợp tử vong tại Hưng Yên. Tại Hà Nội từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 315 trường hợp mắc sởi , số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 14/8, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết,từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 315 trường hợp mắc sởi , số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2017, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Cũng theo ông Hạnh, mặc dù số mắc tăng so với cùng kỳ của năm 2017 nhưng hiện tại các ca bệnh đều phân bố rải rác tại các xã, phường, thị trấn, chưa xuất hiện ổ dịch và chưa có ca bệnh tử vong; đa số đối tượng mắc là trẻ em chưa đến tuổi tiêm chủng vắc xin phòng sởi hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi theo quy định; dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, các ca bệnh đều được phát hiện sớm và khoanh vùng xử lý kịp thời.

Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia, dự báo dịch sởi có thể tiếp tục gia tăng tại Hà Nội trong các tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Theo ông Hạnh nguyên nhân  là dịch sởi tại Hà Nội nằm trong bối cảnh chung của tình hình dịch sởi trên Thế giới và tại Việt Nam; tình hình dịch đang có xu hướng gia tăng mặc dù thời tiết mùa hè; năm 2018-2019 bắt đầu bước vào chu kỳ dịch sởi sau 4 năm (tại Hà Nội dịch bệnh sởi xuất hiện và bùng phát vào năm 2014); mặc dù tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vắc xin sởi của Hà Nội luôn đạt so với tỷ lệ chung của quốc gia (từ 95% - 97%), nhưng hàng năm vẫn còn khoảng 3%-5% trẻ không được tiêm vắc xin sởi, là đối tượng dễ mắc bệnh sởi.

Bên cạnh đó hàng năm, số trẻ em, học sinh, sinh viên, người lao động các tỉnh, thành phố đến Hà Nội sinh sống, học tập, làm việc chưa được tiêm chủng đầy đủ sẽ tạo thành khối cảm thụ đủ lớn không có miễn dịch với bệnh sởi sẽ thuận lợi cho vi rút sởi lây lan và gây dịch.

Hà Nội là Thành phố có sự di biến động dân cư lớn; người dân ngoại tỉnh đến sinh sống, làm việc nhiều dẫn đến việc khó khăn trong công tác thống kê, quản lý đối tượng tiêm chủng.

Cùng với đó là  một số bậc phụ huynh không cho con đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin theo quy định (do trẻ hay bị ốm hoặc do gia đình lo ngại các phản ứng không mong muốn có thể gặp phải sau khi tiêm vắc xin) vì vậy hàng năm sẽ tích lũy một lượng lớn trẻ em không có miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi và dễ bị mắc bệnh khi tiếp xúc với người bệnh. Đồng thời theo quy định, vắc xin sởi tiêm cho trẻ từ đủ 9 tháng tuổi trở lên do vậy những trẻ dưới 9 tháng là các đối tượng có nguy cơ bị mắc dịch bệnh này.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, trước diễn biến gia tăng của bệnh sởi trong thời gian vừa qua, Sở Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị giao ban và hội nghị xin ý kiến các nhà khoa học về công tác phòng chống dịch sởi trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Ban Giám đốc Sở thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các đơn vị quận, huyện, thị xã.


N.Tuệ
Ý kiến của bạn