Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm dừng, đỗ xe không đúng quy định trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, Sở GTVT đề nghị các đơn vị kinh doanh vận tải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên, lái xe theo quy định, tuyệt đối không sử dụng lái xe khi không đáp ứng đủ sức khỏe; Xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm ATGT trong hoạt động kinh doanh vận tải...
Đáng lưu ý, Phòng Quản lý Kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) được yêu cầu khảo sát các vị trí phức tạp về giao thông để đề xuất lắp đặt bổ sung camera theo dõi phục vụ công tác xử lý "phạt nguội" vi phạm.
Camera giám sát giao thông tại nút giao Cửa Nam- Hà Nội.
Thanh tra giao thông, các đơn vị khai thác bến phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điều kiện của phương tiện, người lái, hàng hóa và hành lý của hành khách trước khi xuất bến. Thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động của xe ô tô và người lái trong khu vực bến.
"Tới đây, lực lượng chức năng cần rà soát, thống kê các địa điểm phát sinh tình trạng phương tiện dừng, đỗ sai quy định theo phản ánh của người dân, đặc biệt là các xe hợp đồng Limousine để có biện pháp xử lý kịp thời", Sở GTVT Hà Nội yêu cầu.
Tại Thủ đô, riêng Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đang quản lý, sử dụng gần 600 camera các loại, trong đó có hơn 300 camera để theo dõi lưu lượng phương tiện, hơn 100 camera phục vụ xử phạt vi phạm giao thông và gần 100 thiết bị giám sát giao thông. Ngoài ra, tại nhiều nút giao thông còn có camera của công an các quận; camera của VOV giao thông; camera theo dõi điểm ngập úng của ngành thoát nước... Nhờ hệ thống này, tình trạng người tham gia giao thông vi phạm các lỗi như lấn làn, vượt đèn đỏ, dừng đỗ không đúng vị trí... đã giảm đáng kể. Hà Nội đang khẩn trương nghiên cứu tích hợp không chỉ camera giám sát của các cơ quan nhà nước, mà còn của người dân, doanh nghiệp (sân bay, nhà ga, bến xe, các cơ quan hành chính, ngõ phố...) để hỗ trợ công tác điều hành giao thông chung.
Theo Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, thực tế cho thấy, có nơi cần camera an ninh, có nơi cần camera giám sát để "phạt nguội", có nơi chỉ cần camera để giám sát, có nơi cần tất cả các tính năng này. Bởi vậy, cần có phương án quy hoạch chi tiết cho từng địa bàn khu vực, từ đó đầu tư theo yêu cầu; đồng thời, cần có trung tâm xử lý thông tin, phần mềm phân tích tổng hợp và chia sẻ dùng chung dữ liệu cho các cơ quan có liên quan thì hiệu quả sẽ rất cao. Cơ quan chức năng có thể nghiên cứu lắp đặt camera di động và thay đổi địa điểm lắp đặt. Trước khi đầu tư, nên có phân tích đánh giá chi tiết nhu cầu, qua đó có thể đầu tư camera tại từng vị trí với những tính năng phù hợp. Sau khi có hệ thống camera, cần có quy định cụ thể về việc bảo mật, phân tích, xử lý, chia sẻ giữa các lực lượng chức năng.
Được biết, thông qua hệ thống camera giám sát, từ năm 2014 đến hết năm 2018, lực lượng CSGT, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, xử lý 20.325 trường hợp vi phạm; trong đó phạt tại chỗ (phạt nóng): 13.819 trường hợp (chiếm 67,99%), phạt bằng hình thức gửi thông báo tới địa chỉ đăng ký của chủ phương tiện (phạt nguội): 6.506 trường hợp (chiếm 32,01%), phạt tiền 16,260 tỷ đồng nộp kho bạc Nhà nước với các hành vi vi phạm phổ biến là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường quy định…