Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động sàng lọc nâng cao chất lượng dân số

03-12-2018 07:59 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS -Việc sàng lọc trước sinh, sơ sinh, sàng lọc tim bẩm sinh và tan máu bẩm sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội thời gian qua đã góp phần phát hiện nhiều trường hợp bệnh từ rất sớm

 

Ông Tạ Quang Huy, Chi Cục Trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới, đến thời điểm này công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhất là việc chú trọng giảm sinh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh sàng lọc trước sinh, sơ sinh và tăng cường kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh...

Nhờ vậy, tổng số sinh 9 tháng là 77.012 trẻ giảm 250 trẻ so với cùng kỳ năm 2017. Số trẻ là con thứ 3 trở lên 9 tháng năm 2018 là 5.727 trẻ, giảm 125 trẻ  so với cùng kỳ năm 2017. Tỷ số giới tính khi sinh là 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái.

Cũng theo ông Tạ Quang Huy, thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ quận, huyện vào Trung tâm y tế quận, huyện, công tác dân số đi vào hoạt động ổn định, duy trì và đảm bảo kế hoạch 2018 đề ra. Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã đẩy mạnh việc thực hiện đề án tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020, 30/30 quận, huyện, thị xã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện đề án năm 2018.

“Kết quả, toàn thành phố tỷ lệ sàng lọc trước sinh 9 tháng đầu năm 2018 đạt 74,67%, dự kiến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra 75%. Trong đó, siêu âm hội chẩn 1.393 ca, chọc ối làm nhiễm sắc thể 592 ca, đình chỉ thai nghén 177 ca”-ông Huy thông tin.

Dẫn chứng thực tiễn, ông Tạ Quang Huy cho biết, một số đơn vị trên địa bàn Thành phố Hà Nội triển khai tốt chương trình sàng lọc trước sinh 9 tháng đầu năm 2018 như Ba Đình, Tây Hồ, Phúc Thọ, Sóc Sơn...

Khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ sơ sinh      - Ảnh minh hoạ

Tỷ lệ sàng lọc sơ sinh 9 tháng đầu năm 2018 của Hà Nội cũng đạt 84,01%, dự kiến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu đề ra 84%. Trong đó, phát hiện 496 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD, 18 trường hợp nghi ngờ suy giáp trạng bẩm sinh. Một số đơn vị triển khai tốt chương trình sàng lọc sơ sinh như: Ứng Hòa, Mỹ Đức... Bên cạnh đó, một số đơn vị chỉ tiêu thực hiện 9 tháng đầu năm còn thấp như Thanh Trì, Thường Tín...

Đồng thời, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cũng tăng cường công tác sàng lọc khiếm thính, tính đến 9 tháng đầu năm 2018, thành phố triển khai thực hiện khám sàng lọc khiếm thính cho 4.423 trẻ từ 0-60 tháng tuổi tại huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng, phát hiện 72 trẻ nghi ngờ nghe kém chuyển khám chuyên sâu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thực hiện sàng lọc khiếm thính cho 23.554 trẻ sơ sinh, phát hiện 42 ca nghi ngờ chuyển khám chuyên khoa; 47.000 ca thực hiện tại các quận, huyện, thị xã.

Về sàng lọc Thalassemia, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã tổ chức 1 cuộc hội thảo triển khai các hoạt động sàng lọc, can thiệp giảm tình trạng tan máu bẩm sinh tại cộng đồng, giao chỉ tiêu kế hoạch cho các đơn vị thực hiện, dự kiến triển khai các hoạt động kỹ thuật trong quý III năm 2018. Tuyên truyền giáo dục tại cộng đồng và nhà trường về bệnh tan máu bẩm sinh. Tiếp tục khám sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho khoảng 7.500 đối tượng từ 0 đến 18 tuổi.

Bên cạnh đó, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cũng đã tăng cường công tác sàng lọc tim bẩm sinh tại cộng đồng, Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương duy trì, triển khai sàng lọc tại 10 BVĐK các huyện: Đông Anh; Ba Vì; Chương Mỹ, Mê Linh, Sóc Sơn, Phúc Thọ,  Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Đan Phượng và Bệnh viện Nhi Trung ương (Tại phòng khám ngoại trú Khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh ); mở rộng triển khai ở BVĐK huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Ứng Hòa (BVĐK Vân Đình).

Tính đến 9 tháng đầu năm 2018 đã thực hiện sàng lọc tim bẩm sinh cho 7.370 trẻ. Tại Trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sàng lọc tim bẩm sinh cho 17.674 trẻ sơ sinh.

 


Ý kiến của bạn