Ngày 14/11, trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống về thực trạng này, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, thời gian gần đây, kết quả quan trắc chất lượng không khí từ các trạm của nhà nước và của một số ứng dụng giám sát chất lượng không khí như IQAir cho thấy chỉ số ô nhiễm không khí ở mức có hại cho sức khỏe. Một vài thời điểm, chỉ số AQI luôn dao động ở mức 100-150. Bản đồ chất lượng không khí lúc 13h ngày 14/11 hiển thị chỉ số AQI tại Hà Nội là 137.
Vào thời điểm trên tại Hà Nội, cũng ghi nhận chỉ số nồng độ bụi mịn PM2.5 là 50 (μg/m3), theo quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013/BTNMT quy định, nồng độ bụi mịn trung bình là 25 μg/m3. Có nghĩa là chỉ số PM2.5 đang vượt gấp đôi ngưỡng tiêu chuẩn Việt Nam và vượt tiêu chuẩn của tổ chức Y tế Thế giới gấp 5 lần là 10 (μm/m3).
Lý giải về các chỉ số ô nhiễm không khí đang ở mức cao và đáng báo động, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, các năm đều như vậy.
Mùa Đông ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc, nồng độ bụi PM2.5 rất cao trong nhiều ngày, nhiều đợt vì thế người dân nói vui là "mùa ô nhiễm".
Trong 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, thì mùa đông có nhiều yếu tố làm gia tăng ô nhiễm, ví dụ gió lặng, nhiệt độ thấp, ít mưa, độ ẩm cao… làm giảm khuếch tán của không khí các chất ô nhiễm lưu cữu ở tầm thấp, không thoát lên cao hoặc ra các vùng khác được khiến nồng độ PM2.5 (bụi mịn) ngày càng tăng.
Như vậy, trong khi không giảm được các nguồn gây ô nhiễm không khí, lại vào đúng thời điểm mùa đông Hà Nội gặp những điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ làm tăng chỉ số AQI.
TS Hoàng Dương Tùng cho biết thêm, khói bụi từ các phương tiện giao thông trên đường là nguyên nhân đầu tiên gây ra bụi mịn. Các loại xe cộ xả ra ngoài môi trường các hạt sooty và oxit nitơ… góp phần làm ô nhiễm không khí. Tình trạng ô nhiễm bụi mịn trong thành phố cao hơn vùng ngoại ô phần lớn là do lượng phương tiện đi lại lớn hơn rất nhiều.
Thành phố càng phát triển, công trình xây dựng, các khu công nghiệp, nhà máy càng mọc lên không ngừng. Các loại vật liệu như xi măng, đất, cát, phế liệu, khí thải… đều góp phần không nhỏ làm tăng tỷ lệ bụi mịn, gây ô nhiễm trong thành phố.
Bên cạnh đó, trong mùa đông xuân, sau thu hoạch, lượng rơm rạ khô bỏ lại trên đồng ruộng rất nhiều, tỉ lệ rơm rạ bị đốt trên toàn thành phố, các huyện vùng ven và các tỉnh lân cận khá cao. Khi đốt rơm rạ, giải phóng ra môi trường những loại khí độc hại, các hạt bụi mịn sinh ra từ những đống tro này được gió khuếch tán vào không khí.
Trước thực trạng không khí bị ô nhiễm và các chỉ số chất lượng không khí đang ở mức báo động như hiện nay TS. Hoàng Dương Tùng đưa ra một số giải pháp, chúng ta phải kiểm soát phát thải khí thải từ ô tô, xe máy, tăng cường các phương tiện giao thông xanh như xe chạy bằng nhiên liệu sạch, ô tô điện, xe máy điện hiện đã xuất hiện trên thị trường.
Hay là khuyến khích sử dụng nhiều hơn phương tiện công cộng hơn như xe bus, xe điện trên cao, metro. Vấn đề nữa, chúng ta phải kiểm soát tốt việc đốt rác trong tự nhiên, che chắn kín những công trình xây dựng và kiểm soát thật chặt quá trình sản xuất công nghiệp.
"Đáng lo ngại hơn, ô nhiễm không khí có thể gây các triệu chứng hô hấp, tuần hoàn và cả mạn tính, tác động tới mọi cơ quan trong cơ thể. Các tác hại thường được nhắc đến của ô nhiễm không khí như bệnh tim, phổi,...", TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
"Đối với những ngày có chỉ số AQI cao, người dân cần hạn chế ra đường đi lại nếu không có công việc thật sự cần thiết. Những khung giờ cao điểm, lưu lượng xe đi lại tăng, người dân cũng cần tránh để giảm thiểu lượng bụi hít phải trong không khí. Khi cần đi ra ngoài, nên đi tranh thủ để hạn chế thời gian di chuyển, lưu lại trên đường", TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo.