Hà Nội

Hà Nội đã có trẻ đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản, mùa hè là giai đoạn cao điểm của bệnh này

21-05-2019 08:47 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần vừa qua (từ ngày 13/5 đến 19/5), trên địa bàn thành phố đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm 2019. Các chuyên gia cảnh báo, từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh này.

Bệnh nhi là một em bé 4 tuổi ở xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) nhập Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, li bì, co giật… Hiện sức khoẻ đã tiến triển khả quan. Đây cũng là ca viêm não Nhật Bản đầu tiên của thành phố được ghi nhận trong năm 2019.

Theo các chuyên gia, so với năm 2018, năm nay Hà Nội ghi nhận ca bệnh viêm não Nhật Bản sớm hơn (ca bệnh đầu tiên trong năm 2018 được ghi nhận vào giữa tháng 6). Sở Y tế Hà Nội cho biết, thông thường từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm là giai đoạn cao điểm của bệnh viêm não Nhật Bản.

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây qua muỗi đốt. Bệnh thường gây viêm não, màng não ở trẻ em, có tỷ lệ tử vong và di chứng cao (từ 25-35%).

Điều đáng chú ý là bệnh viêm não Nhật Bản thường khó phát hiện sớm do các triệu chứng ban đầu rất giống với những viêm nhiễm khác, diễn tiến của bệnh lại rất nhanh, thậm chí chỉ sau 1 ngày bệnh nhân đã có biểu hiện co giật, rơi vào hôn mê.

Trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường có tỉ lệ tử vong cao, di chứng nặng nề.

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 81 trường hợp mắc sởi, 19 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 14 trường hợp mắc tay chân miệng, 3 trường hợp mắc ho gà.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Qua thực tế làm công tác điều trị, TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho hay: “Mùa hè là giai đoạn cao điểm của viêm não trong đó có viêm não Nhật Bản (thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi). Bệnh có tỉ lệ tử vong và di chứng cao (25-35%). Đây cũng chính là nỗi lo sợ của các bà mẹ có con nhỏ trong mùa hè”.

“Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong 7 ngày đầu khi bệnh nhân có hôn mê sâu, co giật và những triệu chứng tổn thương não. Những bệnh nhân qua khỏi có thể để lại những di chứng nặng nề mà hay gặp là rối loạn tâm thần, rối loạn vận động, giảm khả năng giao tiếp” - bác sỹ Lâm lưu ý.

Bệnh nhân mắc viêm não Nhật bản có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: viêm phế quản, viêm phổi. Hoặc quá trình điều trị có thể bị viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng. Những di chứng sớm có thể gặp là: bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần. Những di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần…

“Trước khi triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật bản trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, vi rút viêm não Nhật Bản từng là nguyên nhân của khoảng 25 - 30% các ca viêm não nhập viện, nhiều trường hợp tử vong. Hiện nay tỷ lệ này đã giảm sau nhiều năm triển khai tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi, với tỷ lệ tiêm duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, bệnh có thể tăng trở lại nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ”- chuyên gia cho hay.

Viêm não Nhật Bản thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 độ C - 40 độ C hoặc hơn. Triệu chứng khởi phát: đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1-2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, rối loạn sự vận động nhãn cầu; có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn. Cha mẹ cần hết sức chú ý các dấu hiệu bất thường ở trẻ.

Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh VNNB, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp phòng bệnh sau đây:

- Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:

Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi

Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần

Mũi 3: sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

- Xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi.

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.

- Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.

- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Dương Hải
Ý kiến của bạn