Hà Nội

Hà Nội đã có hơn 8.400 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong, lưu ý cách chăm sóc tại nhà

28-10-2022 09:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Hà Nội ghi nhận 720 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện tại còn 156 ổ dịch đang hoạt động. Theo đánh giá của các chuyên gia, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019 - 2021.

Theo Sở Y tế Hà Nội, thống kê đến ngày 23/10/2022, toàn thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong, số ca mắc tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 (2.627 ca mắc, 0 ca tử vong).

Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 530/579 xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.

Ngày 27/10, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã đi kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai. Đây là địa bàn có 426 người mắc, 83 ổ dịch, 09 ổ dịch đang hoạt động tại 14 phường, riêng phường Hoàng Liệt ghi nhận 87 ca sốt xuất huyết.

Tại Quận Hoàng Mai đang có một số phường như: Vĩnh Hưng, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ, Yên Sở… đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình xây dựng, nhiều phế liệu phế thải là nơi chứa nước tạo điều kiện để lăng quăng, bọ gậy phát triển. Các phường trên địa bàn nhiều nhà trọ, dân cư di biến động phức tạp, đa số người trọ là học sinh, sinh viên nên ý thức vệ sinh môi trường chưa được tốt, tạo điều kiện để muỗi phát triển.

Một số phường người dân có bể chứa nước nổi không có nắp đậy kín hoặc có nắp nhưng không kín, các hộ còn trồng rau sạch trên sân thượng, trồng cây cảnh chính là môi trường thuận lợi cho bọ gậy phát triển.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị Trung tâm Y tế và phòng Y tế tăng cường công tác giám sát công tác phòng chống dịch tại các phường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về công tác phòng chống sốt xuất huyết. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát dịch, giám sát ca bệnh, giám sát trọng điểm, giám sát véc tơ, giám sát ổ dịch cũ.. tăng cường tập huấn công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cho người dân tại các nơi có ổ dịch đang hoạt động và cho các tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ của các phường…

Hà Nội đã có hơn 8.400 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong, lưu ý cách chăm sóc tại nhà - Ảnh 2.

Kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại hộ gia đình trên địa bàn phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.

Theo dõi sát sao các dấu hiệu khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà

PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ, thậm chí không có triệu chứng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm đi kèm với sốt cao (40°C) hoặc nhiều triệu chứng khác như:

Từ đầu năm đến nay nước ta đã ghi nhận hơn 270.000 ca mắc sốt xuất huyết, 108 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,8 lần, số tử vong tăng 87 trường hợp.
  • Đau đầu
  • Đau hốc mắt
  • Buồn nôn/nôn mửa
  • Nổi hạch
  • Đau cơ, xương hoặc khớp
  • Phát ban
Chính vì vậy, việc chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng sẽ giúp giảm nguy cơ các triệu chứng bệnh trở nặng ở cả người lớn và trẻ em. Hiện nay một số bệnh dịch khác vẫn còn (như COVID-19, cúm, thủy đậu,...) nên dễ chẩn đoán nhầm với sốt xuất huyết. Nếu như vậy có thể dẫn đến điều trị phác đồ sai, nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, bác sĩ các tuyến cũng cần cập nhật hướng dẫn chẩn đoán của Bộ Y tế để xử lý điều trị đúng.

Trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết gia tăng, cùng đó là nhiều dịch bệnh khác, PGS.TS Đỗ Duy Cường lưu ý, người dân khi có biểu hiện sốt nên đến bệnh viện để làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm chẩn đoán đơn giản như NS1 để phát hiện sốt xuất huyết sớm từ những ngày đầu tiên.

Nếu đúng sốt xuất huyết sẽ được các bác sĩ theo dõi, tư vấn và điều trị kịp thời. Một số trường hợp có thể điều trị tại nhà, không nhất thiết phải nhập viện nếu không có chỉ định, tránh dẫn đến quá tải bệnh viện.

Hà Nội đã có hơn 8.400 ca mắc sốt xuất huyết, 12 ca tử vong, lưu ý cách chăm sóc tại nhà - Ảnh 3.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai. Ảnh: D.Hải

PGS. Cường khuyến cáo, sốt xuất huyết trong những ngày đầu vẫn có thể chăm sóc tại nhà:

  • Người dân có thể cặp nhiệt độ hoặc theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác.
  • Nếu đau mỏi người, sốt thì dùng hạ sốt, giảm đau, tránh dùng nhóm thuốc như aspirin, ibuprofen vì nó có thể gây chảy máu
  • Không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử mà cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
  • Bệnh nhân có thể uống nhiều nước, như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi. Sau ngày thứ 5 có thể sẽ hết sốt.

"Tuy nhiên nếu bệnh nhân có biểu hiện thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ dẫn đến hiện tượng tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết. Đấy là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện" – chuyên gia bệnh truyền nhiễm cảnh báo.

Nhiều người sốt xuất huyết giảm tiểu cầu nghiêm trọng, bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu cảnh báo sớmNhiều người sốt xuất huyết giảm tiểu cầu nghiêm trọng, bác sĩ chỉ rõ dấu hiệu cảnh báo sớm

SKĐS - Sốt xuất huyết giảm tiều cầu nếu không điều trị kịp thời khiến bệnh nhân rơi vào nguy kịch. Đặc biệt những ngày gần đây đã ghi nhận trường hợp giảm tiểu cầu về 0 G/L, 5 G/L là mức rất nghiêm trọng, hi hữu xảy ra. Dấu hiệu nào để phát hiện sớm được tình trạng này?


Dương Hải
Ý kiến của bạn