Chiều 3/10, tại cuộc họp báo quý III/2024 của UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tính đến ngày 26/9, hậu quả do bão Yagi để lại đã làm gần 12.000 cây xanh gẫy, đổ (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác); lúa bị gẫy, đổ, dập nát trên 23.000 ha; lúa bị ngập trên 15.000 ha; thủy sản bị ảnh hưởng trên 4.000 ha… 41 công trình đê điều và khoảng 150 công trình thủy lợi xảy ra sự cố. Cùng với đó là các sự cố, ảnh hưởng khác do ngập lụt gây ra.
Ngay sau khi cơn bão đi qua, TP Hà Nội đã chỉ đạo, triển khai chăm sóc, điều trị tốt nhất đối với các công dân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình có người thiệt mạng và bị thương. Cập nhật đến ngày 30/9, đã có gần 75.000 người trở về nhà, trên tổng số 78.000 người dân phải sơ tán, di dời. Còn lại khoảng trên 3.000 người dân vẫn đang sơ tán do ngập lụt, chủ yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ;
Liên quan đến hệ thống cây xanh, Hà Nội đã triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ khoảng 3.418 cây xanh (trong đó có khoảng hơn 100 cây quý hiếm, cây di sản, cây được bảo tồn và cây cổ thụ); chuyển về vườn ươm để chăm sóc khoảng 580 cây... Hệ thống công trình đê điều, thủy lợi cơ bản ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra; công tác di dân, đảm bảo an toàn cho nhân dân trước bão, lũ đã được triển khai theo đúng kế hoạch, không bị động, không bất ngờ, mặc dù sau nhiều năm mới có lũ.
Đặc biệt, để hỗ trợ, đảm bảo đời sống nhân dân, UBND TP đã ban hành các quyết định bổ sung 220,87 tỷ đồng có mục tiêu cho các quận, huyện, sở, ngành để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn thành phố.
Tính đến 16 giờ ngày 22/9, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận tổng số tiền đăng ký và ủng hộ 177,646 tỷ đồng (số tiền đã về Quỹ Cứu trợ Thành phố là 153,98 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ nhân dân Thủ đô 15,9 tỷ đồng; hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại 85,94 tỷ đồng) và nhiều nhu yếu phẩm cho nhân dân bị ảnh hưởng và ở tại các khu tạm cư tập trung.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại nhu yếu phẩm, với tổng trị giá 1,73 tỷ đồng; hỗ trợ nhân dân các quận, huyện, thị xã bị ngập nước trên địa bàn các nhu yếu phẩm (lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập…).
UBND TP yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn; sẵn sàng triển khai phương án ứng phó, khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”; chú trọng đến các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập, lụt, lũ rừng ngang: Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức…