Được biết, trong giờ ra chơi chiều nay, khoảng 50 em học sinh tiểu học bất ngờ bị ong tấn công. Một học sinh cho biết trong giờ ra chơi, một số anh chị học sinh lớp lớn đã dùng đá ném tổ ong trong khuôn viên trường khiến tổ vong vỡ, cả đàn ong bủa ra xung quanh đốt tứ tung làm các cháu chạy toán loạn, hoảng sợ. Sau khi rà soát đã có 51 cháu được đưa đến BV Bạch Mai khám.
Một học sinh trường tiểu học Yên Sở được đưa vào khoa Nhi (BV Bạch Mai) khám vì bị ong đốt.
TS.BS Nguyễn Công Long, trực Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, 51 học sinh được chuyển đến Trung tâm chống độc của bệnh viện lúc 15h30 chiều nay. Sau đó, các cháu học sinh được chuyển xuống khoa Nhi và hiện khoa Nhi cùng Trung tâm chống độc vẫn đang phối hợp, theo dõi các bé.
Tuy nhiên, theo các bác sĩ, dù số lượng bệnh nhân đông nhưng không phải tất cả các cháu đều trầm trọng, có cháu bị nhiều nốt ong đốt, có cháu chỉ 1 - 2 nốt ong đốt. “Đa phần các cháu đều nhẹ nhưng vì bị ong đốt tập thể nên các cháu tinh thần hoảng loạn. Sau khi thăm khám kỹ, có khoảng 10 học sinh bị nhiều vết đốt nhưng chỉ có 3 em buộc phải giữ lại viện để được theo dõi, còn các trường hợp khác đều được cho về nhà theo dõi vì nốt đốt ít, không nguy hiểm cho trẻ”, một bác sĩ cho biết.
Đến khoảng 21 giờ có 48 em học sinh đã được xuất viện. Còn 3 học sinh bị ong đốt nhiều nốt là cháu Trịnh Tuấn Linh (6 tuổi), Nguyễn Trí Thành (11 tuổi), Đinh Cao Minh (7 tuổi). Trong đó cháu Linh và Thanh bị nặng nhất với khoảng 10 vết đốt ở đầu và tay, đang được chỉ định làm xét nghiệm thử máu và nước tiểu để xác định mức độ ảnh hưởng của nọc độc.
Theo các bác sĩ, thời gian gần đây khá nhiều người bị ong đốt. Tại trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) hiện cũng đang điều trị cho khoảng hơn 5 bệnh nhân bị ong đốt, trong đó có cháu bé bị tới hơn 100 nốt đốt rất nguy kịch. Ngay tại khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cũng đang có bệnh nhân ong đốt phải nhập viện điều trị.
Được biết, ngay sau khi tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân, các kíp trực đã báo cáo ngay với Ban Giám đốc Bệnh viện và hiện đại diện Ban Giám đốc BV Bạch Mai đã xuống khoa Nhi để nắm tình hình, chỉ đạo việc cấp cứu cho các bé.
Các bác sĩ cho biết, dị ứng với nọc độc của ong là một trong những nguyên nhân gây tử vong quan trọng ở những bệnh nhân nhạy cảm với nọc độc của ong. Đa số bệnh nhân không có cơ địa dị ứng có phản ứng dị ứng với nọc độc khi ong đốt, các phản ứng này thường nhẹ như ban đỏ, sẩn phù hay đau tại vị trí bị đốt. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân quá mẫn với nọc độc ong sẽ gây ra các phản ứng toàn thân khi bị ong đốt như sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là ở những bệnh nhân có nhiều nốt ong đốt.
Khi không may bị ong đốt gây dị ứng ở mức độ 1, với ít nốt đốt bệnh nhân có thể bôi các thuốc chống dị ứng ngoài da. Còn khi bệnh nhân xuất hiện phù mạch hoặc mày đay toàn thân đã là phản ứng nặng cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Ong đốt còn gây co thắt phế quản và mức độ 4 nguy hiểm nhất gây sốc phản vệ và tổn thương nhiều cơ quan. Vì thế, với trẻ nhỏ, với người bị nhiều nốt ong đốt không nên chủ quan mà nên đưa trẻ đến viện để được khám, theo dõi.