Hà Nội: Cung cấp hơn 1,4 triệu bao cao su qua nguồn xã hội hoá

03-11-2019 16:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo thông tin từ Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội, đến thời điểm này, Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)/sức khỏe sinh sản tại Hà Nội đã cung cấp 1.441.594 chiếc bao cao su, 2.700 vỉ thuốc tránh thai…

 

Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, hiện Hà Nội là một trong những địa phương đã triển khai hiệu quả Đề án Xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/ sức khoẻ sinh sản (gọi tắt là Đề án 818), góp phần giữ vững mức sinh thay thế trên địa bàn.

Tính đến tháng 8/2019, số lượng sản phẩm xã hội hóa PTTT được phân phối về các địa phương là 1.441.594 chiếc bao cao su, 2.700 vỉ viên uống tránh thai, gần 5000 dung dịch vệ sinh phụ nữ, 1.352 dung dịch vệ sinh đa năng cùng nhiều bột canxi và vitamin tổng hợp...

Đề án 818 của Hà Nội hướng tới mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ, sức khoẻ sinh sản có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, tính bền vững của chương trình dân số - KHHGĐ; huy động và nâng cao hiệu quả của các nguồn lực đầu tư từ trung ương, địa phương, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bảo đảm cung cấp đầy đủ PTTT để duy trì mức sinh thay thế.

Hiện nay, Hà Nội tiếp tục triển khai các hoạt động của Kế hoạch này. Theo bà Nguyễn Minh Xuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ Hà Nội, để đẩy mạnh hoạt động của Đề án 818, vừa qua Chi cục đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tập huấn đào tạo với hơn 76 lớp tập huấn cho 3.800 cộng tác viên dân số cơ sở.

Đẩy mạnh cung cấp và tư vấn các dịch vụ PTTT, góp phần giữ vững mức sinh thay thế

Đến năm 2020, Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu mỗi loại PTTT, hàng hóa chăm sóc KHHGĐ, sức khoẻ sinh sản có ít nhất từ 2 - 3 chủng loại khác nhau được đưa vào cung cấp trên địa bàn. Tăng cường tiếp cận dịch vụ cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ, sức khoẻ sinh sản của người dân; nâng cao năng lực cho cán bộ dân số, cán bộ y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT và dịch vụ KHHGĐ/ sức khoẻ sinh sản.

100% Trung tâm Dân số - KHHGĐ các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT và hàng hóa chăm sóc sức khoẻ sinh sản. 100% các cơ sở y tế công lập; 40% các cơ sở Y tế ngoài công lập có khoa phụ sản trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện xã hội hóa cung cấp dịch vụ KHHGĐ/sức khoẻ sinh sản theo quy định.

Theo đánh giá của Tổng cục Dân số -KHHGĐ, thời gian qua Đề án 818 đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Y tế; sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể; sự đầu tư có hiệu quả của các nhà tài trợ, của Nhà nước và địa phương; sự tham gia tích cực của hệ thống dân số các cấp và của đội ngũ cán bộ y tế nên đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Trong đó, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của toàn xã hội đối với công tác xã hội hóa, góp phần tăng số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho người dân trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số -KHHGĐ đánh giá cao những kết quả mà Đề án 818 đã đạt được và cho rằng sau thời gian triển khai, ở những tỉnh thực hiện đã có những chuyển biến nhận thức rất rõ nét, song vẫn còn một số tỉnh, thành chưa thực sự vào cuộc, chưa triển khai vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của đề án. Theo ông, trong giai đoạn tới cần đẩy mạnh hơn sự vào cuộc của các tỉnh này; cần huy động thêm được nhiều công ty nhằm đa dạng các loại PTTT, sức khoẻ sinh sản để đưa vào phân phối hiệu quả trong đề án.

 

Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Đề án 818 giai đoạn 2015-2020, ngày 25/2/2019, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định 718/QĐ-BYT về việc tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp PTTT, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/ sức khoẻ sinh sản đến năm 2030 đáp ứng tình hình mới.

Trong đó chú trọng xã hội hóa phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, chăm sóc sức khỏe tình dục, xây dựng và triển khai chương trình sàng lọc, kiểm soát, quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng, từng bước mở rộng nội dung, địa bàn để thực hiện trong phạm vi toàn quốc. Các tỉnh cần xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có trong Đề án 818 từ tỉnh xuống huyện, xã đến cộng tác viên dân số.

Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn