Hà Nội: Cụ ông ngộ độc Pate Minh Chay phải thở máy, bác sĩ vất vả tìm thuốc giải độc

31-08-2020 14:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - BV Bạch Mai đang điều trị cho 2 bệnh nhân cao tuổi là vợ chồng đều bị ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum sau khi dùng sản phẩm Minh Chay. Trong đó, người chồng vẫn đang phải thở máy, tiên lượng rất nặng. Ngoài ra, có 4 bệnh nhân khác cũng đến Trung tâm Chống độc thăm khám với các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn Pate Minh Chay.

BS. Nguyên nói về biểu hiện bệnh nhân ngộ độc Botulinum.

Liệt hoàn toàn cơ, thở máy nguy kịch

BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, hai bệnh nhân cao tuổi là vợ chồng ở Hà Nội, độ tuổi 68-70 tuổi, được chuyển sang từ BV Lão khoa Trung ương sang BV Bạch Mai vào ngày 18/8. Ngay khi tiếp nhận, cấp cứu cho bệnh nhân, kiểm tra xét nghiệm cho thấy điển hình ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum.

Khai thác bệnh sử, cả hai bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm ăn chay của Minh Chay, mua trên mạng. Ăn đến lọ thứ 2 được vài bữa, tới bữa cuối cùng vào cuối tháng 7, thì sang đầu tháng 8 cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện đau họng, khó nuốt, sụt mi, khó nuốt, yếu chân, tay.

Chuyên gia chống độc cho biết, người chồng bị tình trạng bệnh lý nặng hơn, liệt hoàn toàn các cơ, phụ thuộc máy thở, đồng tử giãn; còn người vợ liệt các cơ nhẹ hơn, nhưng cũng không thể ngồi dậy được, không tự ăn được. Cả hai bệnh nhân được điều trị cấp cứu hồi sức.

Bệnh nhân ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum là cụ ông cao tuổi đang phải thở máy.

"Tuy nhiên, bệnh nhân đến viện khá muộn nên việc điều trị rất khó khăn, trong khi với ngộ độc này thì phải dùng thuốc giải độc và cần được phát hiện sớm. Điều đáng ngại nữa, đây là loại ngộ độc hiếm nên thuốc giải độc không thường xuyên, thuộc hàng hiếm và được coi là loại thuốc "mồ côi".

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân và chẩn đoán ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum lập tức, BV Bạch Mai đã có công văn báo cáo Bộ Y tế và cơ quan liên quan vào cuộc kiểm tra, đồng thời hỗ trợ công tác điều trị" - BS. Nguyên thông tin.

Qua Hội chẩn với các Trung tâm Chống độc khu vực, BS. Nguyên được biết ở Thái Lan đang dự trữ thuốc giải độc này, ông đã liên hệ với Trung tâm Chống độc của một bệnh viện ở Thái Lan để tìm mua.
Suốt những ngày qua, được sự giúp đỡ tích cực của Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, WHO tại Thái Lan, WHO tại Việt Nam, thậm chí ngày nào WHO tại Việt Nam cũng họp 2 lần, tới ngày 29/8, Bệnh viện mới mua được 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu Clostridium Botulinum về Việt Nam.
Giá 1 lọ thuốc giải độc là 8.000 USD (do Canada sản xuất, hạn sử dụng 2022) và ngay lập tức cho 2 bệnh nhân sử dụng (mỗi người 1 lọ). Theo BS. Nguyên cho biết, thuốc giải độc rất hiệu quả.

Hai lọ thuốc trị giá 16.000 USD nhập về điều trị cho 2 bệnh nhân.

"Mất hàng tháng để hồi phục..."

Ngoài 2 vợ chồng bệnh nhân trên thì có 4 bệnh nhân khác đến Trung tâm Chống độc thăm khám trong tình trạng nhẹ hơn, mỏi cơ, khó thở, khó nuốt… Bệnh nhân Nguyễn Thị L (40 tuổi, ở Thái Nguyên) cho biết, chị thường xuyên ăn đồ ăn chay và vừa mới ăn 2 lần Pate Minh Chay. Cách đây hơn 2 tuần, chị L. thấy mệt mỏi, buồn nôn nhưng lại nghĩ do vừa ăn quả ổi nên có triệu chứng đó.

Ngày 15/8, chị đi khám ở Thái Nguyên nhưng không ra bệnh. Sau đó thấy triệu chứng đau đầu, khó nuốt, ngày 17/8, chị đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, rồi được cho về theo dõi nhưng chị không về vì thấy cơ thể rất mệt. Chị L. thuê phòng ở gần bệnh viện, đến ngày 18/8 rất mệt mỏi, không nuốt được, khó thở, chị vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu. Hai ngày trước chị mới biết thông tin về độc tố của Pate Minh Chay, sáng nay chị L. đã chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai khám.

Theo BS. Nguyên, đối với 4 trường hợp mới đến, có bệnh nhân ăn sản phẩm gây ngộ độc từ 1 tuần trước, triệu chứng đã đạt đỉnh, họ có thể phải mất hàng tháng để hồi phục.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Chống độc, bệnh nhân nam luôn có nguy cơ suy hô hấp, liệt phổi. Sau khi dùng thuốc bệnh nhân nam chưa thấy có thay đổi, nhưng bệnh nhân nữ đã hồi phục rõ, ngồi dậy và nói chuyện được.

Tuy nhiên, bệnh nhân nam có thể phải thở máy hàng tháng nữa và gặp rất nhiều nguy cơ trong quá trình nằm viện như gặp rất nhiều biến chứng từ nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện và có thể tử vong từ các biến chứng. Còn để hồi phục được thì bệnh nhân phải mất rất nhiều thời gian sau nữa.

Lọ sản phẩm chay mà bệnh nhân sử dụng.

Cảnh báo ăn thực phẩm đóng hộp

Trong rất nhiều năm công tác, BS. Nguyên cho biết hầu như chưa có ngộ độc loại vi khuẩn này. Trong y văn, ngộ độc vi khuẩn Clostridium Botulinum cũng là ngộ độc quá cổ điển, rất hiếm gặp. Đây là lời cảnh báo cho các hộ gia đình hiện sản xuất các loại thực phẩm đóng hộp, đóng gói thủ công như cà muối, măng muối, thịt muối...

Vi khuẩn Clostridium Botulinum là loại vi khuẩn yếm khí, thường trong thực phẩm đóng kín trong chai lọ, túi… vi khuẩn phát triển sinh ra độc tố, đặc biệt ảnh hưởng, tổn thương thần kinh, gây liệt cơ, đặc tính gây liệt nặng nề, kéo dài, có thể phải thở máy nhiều tháng, trong thời gian đó bệnh nhân có thể sẽ tử vong. Trên thực tế vi khuẩn này có mặt ở nhiều thực phẩm rau củ, đậu lên men… nếu không đảm bảo an toàn thực phẩm vi khuẩn sẽ phát triển, sinh ra độc tố.

BS. Nguyên kiến nghị, nhà nước phải có cơ chế đưa thuốc giải độc này vào danh mục thuốc "mồ côi", thuốc hiếm, đồng thời phải có kho dự trữ và điều phối thuốc hiếm quốc gia, khi có bệnh nhân thì điều phối cho cả nước.


Dương Hải
Ý kiến của bạn