Hà Nội

Hà Nội: Cụ bà 70 tuổi bị đột tử giữa trời nắng

05-06-2017 11:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vào khoảng 10h sáng nay (ngày 5/6), cụ bà khoảng 70 tuổi đi xe máy đến khu vực giữa phố Xã Đàn- Đống Đa- Hà Nội, bỗng dưng ngã ngất xỉu sau ít phút thì tắt thở.

Vào khoảng 10h sáng nay (ngày 5/6), cụ bà khoảng 70 tuổi đi xe máy đến khu vực giữa phố Xã Đàn- Đống Đa- Hà Nội, bỗng dưng ngã ngất xỉu sau ít phút thì tắt thở.

Theo một số người dân có mặt tại hiện trường vào thời điểm trên, cụ bà khoảng 70 tuổi điều khiển chiếc xe máy đi theo hướng Xã Đàn ra ngã tư Ô Chợ Dừa. Khi đến khu vực đoạn giữa phố Xã Đàn, bỗng dưng cụ có biểu hiện chóng mặt và ghé vào bên đường rồi gục xuống. Thấy vậy, người dân khu vực đã nhanh chóng sơ cứu và gọi cấp cứu. Tuy nhiên, sau ít phút lực lực 115 của Hà Nội có mặt nhưng xác định nạn nhân đã tắt thở.

Xe cấp cứu đến hiện trường nơi cụ bà bị ngã

Theo ghi nhận, ở thời điểm đó, trên chiếc giỏ xe máy của cụ bà vẫn còn nguyên một túi đá lạnh vừa đi mua về. Khu vực xảy ra sự việc được một số người dân cho biết rất gần nhà nạn nhân. Nhiều người dân khu vực cho rằng, rất có thể thời tiết nắng nóng là một trong nguyên nhân dẫn đến sự việc đau lòng này. Đến 10h 40 phút cùng ngày, lực lượng chức năng cùng gia đình đã đưa thi thể cụ bà về nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai để khám nghiệm.

Theo TS. BS Lương Quốc Chính, Khoa hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai cho hay, say nắng (hay còn gọi là sốc nhiệt ) rất dễ ảnh hưởng tới người cao tuổi sống trong các căn hộ hoặc nhà thiếu điều hòa không khí hoặc nhà không được thông khí tốt.

TS Chính cho biết, sốc nhiệt có liên quan chặt chẽ với chỉ số nhiệt. Chỉ số nhiệt là một đại lượng đo lường bạn cảm thấy nóng như thế nào khi chịu ảnh hưởng từ độ ẩm tương đối kết hợp với nhiệt độ không khí. Độ ẩm không khí trên 60% làm cản trở việc bài tiết mồ hôi, do đó làm cản trở khả năng tự làm mát của cơ thể.

Rất đông lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường nơi cụ bà bị ngã

"Nếu bạn sinh sống ở khu vực đô thị, bạn có thể đặc biệt dễ bị sốc nhiệt trong đợt nóng kéo dài, đặc biệt nếu chất lượng không khí kém và không có gió. Hiện tượng “hiệu ứng đảo nhiệt” (nhựa đường và nhà kho bằng bê tông bị đốt nóng vào ban ngày và chỉ tỏa dần nhiệt vào ban đêm) làm cho nhiệt độ ban đêm cao hơn"- TS Lương Quốc Chính nói.

TS Chính cũng tư vấn, nếu nghi ngờ ai đó bị say nắng, cộng đồng hãy gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Trong khi đợi y tế đến, cần khẩn trương đưa nạn nhân tới nơi có điều hòa hoặc ít nhất là chỗ râm mát và cởi bỏ các quần áo không cần thiết.

- Nếu có thể, nên đo nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân rồi sơ cứu để hạ nhiệt độ cơ thể xuống còn 38,3-38,8 độ C. Trường hợp không có nhiệt kế, tiến hành sơ cứu ngay bằng các phương pháp làm mát sau:

- Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước.

- Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể.

Chiếc xe của cụ bà đi mua đá tại hiện trường

- Nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát hay bồn tắm nước đá.

- Nếu hỗ trợ y tế tới muộn, bạn có thể gọi điện tới các phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm.

“Một người đã hồi phục sau sốc nhiệt có thể nhạy cảm hơn với nhiệt độ cao trong các tuần sau đó. Vì vậy, tốt nhất, cần tránh thời tiết nóng và tập luyện nặng cho tới khi bác sĩ khẳng định bạn đã an toàn để quay lại các hoạt động bình thường”- TS Lương Quốc Chính lưu ý.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn