Mưa và các trận dông gây nguy hiểm cho khu vực Hà Nội
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bắt đầu từ ngày mai (22/7), Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoàn lưu bão số 3 với mưa lớn và gió mạnh.
Tối ngày 21/7, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Bộ, Cục Khí tượng Thuỷ văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, đơn vị đã cập nhật chi tiết các bản tin dự báo nguy hiểm tới từng địa phương. Các bản tin sẽ tiếp tục được cung cấp tới cơ quan báo chí để truyền tải kịp thời đến người dân.

Hà Nội có mưa lớn kèm theo các trận dông gây hiện tượng thời tiết nguy hiểm vào ngày mai.
Tại Hà Nội, dự báo gió giật có thể đạt cấp 7–8, gió ổn định phổ biến cấp 5–6. Đáng lưu ý, trong các trận dông do bão gây ra, có thể xuất hiện gió giật cục bộ mạnh hơn, gây nguy hiểm, đặc biệt tại các khu vực có nhiều nhà cao tầng – nơi hiệu ứng gió tăng cường mạnh hơn so với số liệu quan trắc thông thường.
Về lượng mưa, cả đợt tại Hà Nội được dự báo phổ biến từ 100–200mm, có nơi trên 300mm. Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn dễ gây ngập úng cục bộ tại các khu vực trũng thấp, nhất là trong nội đô. Mức ngập dự kiến dao động từ 20–50cm, có nơi sâu hơn, kéo dài khoảng 30 phút đến 1 giờ tùy khu vực.
"Hiện nay, mực nước trên các sông chính chưa cao, đa phần dưới mức báo động. Tuy nhiên, với lượng mưa lớn do bão, một số sông có thể lên mức báo động 2, riêng sông Mã, sông Cả có khả năng đạt mức báo động 3. Tại vùng thượng nguồn các con sông như sông Thao, sông Lô, sông Đà, sông Hồng, sông Thái Bình, cần cảnh giác với khả năng xuất hiện lũ quét, sạt lở đất", ông Hiệp cho biết,
Ông Hiệp cảnh báo thêm, tại các vùng núi thuộc Hà Nội và khu vực trung du lân cận, mưa lớn có thể gây trượt lở đất đá, đặc biệt ở những khu vực có địa hình dốc, đất yếu hoặc gần sông suối, nơi có công trình thoát nước bị tắc nghẽn.
Hiện chưa có khu vực nào ở Hà Nội được dự báo sẽ bị cô lập tạm thời, nhưng theo ông Hiệp, nguy cơ có thể phát sinh nếu xuất hiện mưa bất thường sau khi bão đổ bộ. "Bão đầu mùa hoặc giữa mùa thường đi kèm độ ẩm cao trong không khí. Sau khi bão tan, hoàn lưu còn sót lại vẫn có thể gây ra các dải mây dông gây mưa kéo dài, không loại trừ khả năng mưa lớn xảy ra muộn sau khi bão đã suy yếu", ông Hiệp lưu ý.
Bão di chuyển chậm lại làm tăng mưa lớn kéo dài
Chuyên gia cho biết, bão số 3 hiện có xu hướng di chuyển rất chậm, gần như không dịch chuyển trong 2 giờ qua, theo cập nhật mới nhất từ bộ phận phân tích ảnh vệ tinh. Việc bão chậm di chuyển làm tăng khả năng mưa lớn kéo dài và gió mạnh duy trì lâu hơn, gia tăng nguy cơ thiệt hại.
Theo kịch bản hiện tại, bão số 3 nhiều khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực từ Nam Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa. Vùng ven biển Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình cần đề phòng nguy cơ nước dâng, sóng lớn tác động đến hệ thống đê biển, kè biển. Một số đoạn đê xung yếu đã được khoanh vùng và cảnh báo trong bản tin kỹ thuật gửi các tỉnh, trong đó có các điểm trọng yếu thuộc Hưng Yên và Ninh Bình.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ tối 21/7 đến ngày 23/7, ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm; các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn (>150mm/3h). Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp.
Cơ quan khí tượng tiếp tục theo dõi sát diễn biến cơn bão và sẽ cập nhật thông tin kịp thời nếu có thay đổi bất thường về đường đi, cường độ hoặc khu vực ảnh hưởng. Người dân được khuyến cáo theo dõi sát các bản tin chính thức và thực hiện nghiêm túc hướng dẫn từ chính quyền và ngành khí tượng để chủ động phòng tránh thiên tai.