Hà Nội có một gốm Đoan

14-12-2013 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ðầu năm nay, báo chí đưa tin họa sĩ Nguyễn Trọng Ðoan - tác giả gốm nghệ thuật và điêu khắc gốm duy nhất được Giải thưởng Nhà nước (năm 2007) mang tác phẩm đi Mỹ để trưng bày.

Ðầu năm nay, báo chí đưa tin họa sĩ Nguyễn Trọng Ðoan - tác giả gốm nghệ thuật và điêu khắc gốm duy nhất được Giải thưởng Nhà nước (năm 2007) mang tác phẩm đi Mỹ để trưng bày. Theo lộ trình, ông còn có thể ở lại sáng tác và làm gốm một thời gian. Ngỡ họa sĩ đã về, tôi vội tìm đến nhà để hỏi xem sao, thì ra chuyến đi không thành, bởi những trục trặc không đâu. Gương mặt họa sĩ thoáng buồn. Nhưng rồi ánh mắt ông sáng lên với bao ký ức của chặng đường đầy cam go trong cuộc phiêu du với đất, nước và lửa. Tôi lắng nghe ông kể chuyện...

Ðánh đổi số phận với 1 triệu đồng

Nếu xem sổ tay chép những bài thơ nhật ký của họa sĩ mới thấu hiểu sự dấn thân, mà ông đã có quyết định về nghỉ theo Nghị định 176 (về một cục), với biết bao tâm trạng dồn nén cùng những khát khao về sự nghiệp. Ở đúng cái hạn, 49 tuổi ta vào năm 1990, ông lãnh khoản tiền 1 triệu đồng trong nỗi rưng rưng buồn.


	Họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan.

Người họa sĩ già nhớ lại, mình đã đánh đổi những năm tháng lăn lộn với cuộc sống, học tập, chiến đấu và lao động sáng tạo với cái giá thật khó tin. Bỏ lại sau lưng ba mươi năm cống hiến cho xã hội, họa sĩ đã bắt đầu dựng nghiệp từ đây, ở cái tuổi đã lên lão và với lưng vốn nhỏ nhoi.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan mê gốm và đã được học làm gốm ở Trường Mỹ thuật từ những năm 1959 - 1963, khóa trung cấp đầu tiên. Ông là một trong những người đầu tiên xây dựng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam , nhưng chỉ 2 năm sau đã nhập ngũ theo tiếng gọi của đất nước. Năm 1971, ông xuất ngũ vì bị sốt rét nặng và trở lại làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam .

Suốt 19 năm sau đó là những chuyến đi về làng quê với những đình chùa, miếu mạo và các di tích văn hóa, Nguyễn Trọng Đoan đã học được biết bao điều từ nghệ thuật dân gian. Những ước mơ sáng tạo đã thôi thúc người họa sĩ này. Nguyễn Trọng Đoan bắt đầu với những nắm đất và day dứt với những nỗi niềm ấp ủ trong lòng. 1 triệu đồng thì 1 triệu. Ra về. Dựng nghiệp. Coi như tất cả bắt đầu từ bàn tay trắng.

Họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan không đắn đo phiền muộn và quyết định vay 2 chỉ vàng để xây lò nung gốm và mua vật liệu. Ông bắt tay vào công việc với những nắm đất sét đầu tiên, trên bàn xoay... Thật may, vợ ông là người biết chia sẻ cùng  chồng con nên không quản ngại khi cùng đắp đất xây lò nung gốm ngay trong nhà. Bà còn giúp ông làm những công việc như nhóm lò, chẻ củi và nhào đất. Có điều lạ, với sự nghèo túng của gia đình vào những năm cuối thập kỷ 80, nhưng họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan lại có niềm vui vô bờ khi được nhào đất, nặn tượng và vẽ lên đất. Có thể nhịn đói nhưng vẫn dành tiền mua củi đốt lò. Có thể khát nhưng vẫn dành nước để nhào đất cho thật nhuyễn; và có thể mất ngủ suốt đêm nhưng lại chăm chăm nhìn ngọn lửa để biết gốm của mình sẽ ra sao.

Chính những mẻ gốm hàng đầu tiên đã đem lại cho mọi người nhiều bất ngờ với những nét đẹp của gốm thuần khiết, một màu nâu thâm trầm và thao thiết đến không cùng. Từ đó, trong gian nhà nhỏ bé cấp bốn cổ lỗ sĩ ấy, lần lượt ra đời những bình, lọ, tượng, phù điêu bằng đất... trong niềm vui của người nghệ sĩ hết lòng vì sự nghiệp và say mê sáng tạo.


	Một tác phẩm điêu khắc gốm của họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan.

Một tác phẩm điêu khắc gốm của họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan.

Thoát nghèo với cái tên Gốm Ðoan

Câu chuyện bắt đầu từ cuộc triển lãm thứ nhất mà họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan bày bình lọ và tượng, tham gia cùng với họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm năm 1990. Một ngôn ngữ gốm mới lạ, tạo nên sự sửng sốt về vật phẩm từ đất của Nguyễn Trọng Đoan. Trên cái nền nâu trầm của đất căng mịn là những hình họa vuốt theo độ cong, tạo nên một giai điệu như những nốt nhạc giàu âm sắc bay lên. Họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan đã làm mới gốm bằng những hình họa và màu sắc như một cuộc bứt phá ngoạn mục mà trước đó chưa ai khám phá. Hội họa trên mặt cong của gốm nâu đã mang cái tên Đoan từ đó.


	Hũ và chum sành.

Hũ và chum sành.

Có lúc người họa sĩ già này trầm tư trong nỗi buồn, bởi lẽ có phải ai cũng biết đến gốm và yêu gốm. Nhưng ông vẫn miệt mài ngày đêm đốt lò và vẽ trên bình lọ như một sự đòi hỏi tự thân trong sự thiếu thốn và nghèo túng. Nhưng mọi sự lại ở phía trước, đó là vẻ đẹp muôn đời của ông cha cần phải được thể hiện, với những cách phô diễn mới lạ hơn, hiện đại hơn.

Thế rồi sự đổi đời từ cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Trọng Đoan vào năm 1996 với hơn 100 tác phẩm gốm và điêu khắc từ gốm đã thêm một lần khẳng định thương hiệu Gốm Đoan. Tại triển lãm này, không ít tác phẩm của ông đã được các nhà sưu tầm tìm mua. Một cuộc sống mới và một sự nghiệp được khẳng định, bù đắp cho những năm tháng ăn cơm nắm muối vừng và gặm bánh mì, uống nước lã cầm hơi để làm gốm.

Kể từ đó, ông nhận được nhiều việc và làm không xuể. Ông kể có lần nhận được một hợp đồng làm 500 bức tranh khắc cho khách sạn Sofitel, nhưng vì công việc gấp gáp, trong vài ba tháng phải hoàn thành, ông đã cùng vợ con làm ngày làm đêm hết sức vất vả. Chính vì thế, sau 3 tháng quần quật làm việc, ông đã bị bệnh đau lưng kinh niên. Giờ đây, mỗi khi trở trời, ông lại đau và thầm nghĩ, với hội họa, để kiếm được đồng tiền không hề dễ dàng.

Cho dù vậy, phải lo kế mưu sinh nhưng họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan vẫn đam mê sáng tạo không ngừng. Nhiều ý tưởng trên gốm đã được thể hiện. Không ít tác phẩm của ông đã được đặt làm những mặt hàng gốm mỹ thuật ứng dụng vào cuộc sống như chân đèn, phù điêu, tranh khắc... Và cũng từ đó, những giải thưởng lần lượt đến với ông.

Lát sau, họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan đưa cho tôi xem tập sách in trọn vẹn những tác phẩm của ông đã sáng tác trong hơn 20 năm qua. Đây là tuyển tập sau triển lãm lần thứ hai của ông. Có lẽ ông khá tâm đắc với những bình lọ được viết những câu thơ về vợ con như một cách thể hiện thư họa trên gốm. Đó là một cách thể hiện tấm lòng của mình với những người thân yêu đã từng cùng ông chịu đựng trong những ngày gian khó nhất trên con đường dựng nghiệp.        

Vương Tâm

 


Ý kiến của bạn